Đặt hẹn Luật sư
Định cư Mỹ
Định cư Canada
Định cư Châu Âu & Caribê

Nhiều đại gia Trung Quốc muốn cư trú ở nước ngoài

Nhận tin tức mới
21/02/2012

Hệ thống giáo dục, luật pháp và môi trường trong lành là những yếu tố thu hút các gia đình giàu có ở Trung Quốc di cư ra nước ngoài.

Triệu phú tay trắng làm nên Li Weijie năm nay 43 tuổi. Bên cạnh những tài sản như khu nghỉ dưỡng golf và trượt tuyết gần Bắc Kinh, một công ty taxi lớn nhất nhì Bắc Kinh, hai đại lý kinh doanh ô tô và một công ty bất động sản, ông cũng rất tự hào về một tấm thẻ cư trú tại Canada của mình.

Ông có một căn nhà giá 6 triệu USD tại phía Tây Vancouver, Canada, nơi vợ ông và con trai ông đang sống. Hàng ngày bà “đi chợ” bằng chiếc Maybach màu đen còn cậu con trai 20 tuổi đến trường Đại học British Columbia bằng chiếc Maserati màu xám.

Gia đình ông Li là một ví dụ điển hình cho việc có cả một tầng lớp những người giàu có ở Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm tấm hộ chiếu nước ngoài, hay thẻ cư trú dài hạn (hay còn gọi là thẻ xanh ở Mỹ), chủ yếu ở các nước như Mỹ, Canada, Australia, Singapore và New Zealand. Hiện nay ở Trung Quốc có hơn 500.000 người có tài sản đầu tư trên 10 triệu nhân dân tệ (1,57 triệu USD), theo kết quả khảo sát hồi tháng 3 của China Merchants Bank and Bain & Co. Cuộc khảo sát này cũng cho thấy có hơn 60% trong số họ đã di cư, đang bắt đầu di cư hoặc đang cân nhắc về việc này.

Tại Mỹ, từ đầu năm đến nay đã có gần 3.000 công dân Trung Quốc được cấp visa nhà đầu tư định cư, so với con số 270 hồi năm 2007. Theo số liệu của Cục Nhập cư và Công dân Mỹ (USCIS), có khoảng 78% tổng số đơn xin cấp visa là thuộc loại visa định cư Mỹ này. Visa nhà đầu tư định cư tại Mỹ, hay còn gọi là loại EB-5, đòi hỏi người xin cấp phải có số vốn đầu tư tối thiểu là 500.000 USD trong một dự án thương mại tại Mỹ, và sử dụng ít nhất 10 lao động Mỹ trong vòng 2 năm. Nếu không tạo ra đủ số việc làm trong thời gian quy định, nhà đầu tư Trung Quốc và gia đình có thể phải rời khỏi nước Mỹ.

Xu hướng di cư này cũng giúp cho nhiều ngành kinh doanh tại Mỹ phát đạt. Anh Jason Zhang, một nhân viên môi giới của công ty Realty Direct Boston, cho biết từ đầu năm đến nay anh đã giúp hàng chục gia đình Trung Quốc mua nhà, tậu xe, (đặc biệt là những người này thường trả bằng tiền mặt), và tìm trường cho con cái họ. Một vài năm trước, số khách hàng của anh chỉ là 2, 3 gia đình mỗi năm.

Tuy nhiên, đa số những đại gia Trung Quốc không chạy trốn hay có ý định rời bỏ quê hương vĩnh viễn như các ông trùm người Nga. Khoảng 80% những người giàu di cư không định từ bỏ hộ chiếu Trung Quốc. Thay vào đó, phần lớn họ lựa chọn giống như ông Li: Vợ và con cái có hộ chiếu nước ngoài và sống ở nước ngoài, còn người chồng có quyền cư trú nhưng vẫn chủ yếu sống ở Trung Quốc. Họ vẫn duy trì công việc kinh doanh trong nước và giữ phần lớn tài sản bằng đồng nhân dân tệ.

Vậy tại sao họ muốn sống ở nước ngoài ? Động cơ lớn nhất chính là tạo cơ hội học tập tốt nhất cho con cái. Quan điểm phổ biến của người Trung Quốc là các trường đại học Mỹ vượt trội hơn hẳn các trường trong nước và con cái của họ cần được tìm hiểu thế giới. Những bậc cha mẹ giàu có này chỉ ra rằng nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cũng gửi con cái họ ra nước ngoài học tập. Ngoài ra, chất lượng môi trường và vấn đề an toàn thực phẩm cũng là những lý do được kể đến.

Chuyển gia đình ra nước ngoài và kiếm được thẻ cư trú dài hạn cũng là một cách để phòng tránh những rủi ro về thay đổi chính sách hay luật pháp, bất ổn xã hội, mà có thể làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp của họ. Những năm gần đây, Trung Quốc đã phát triển rất nhanh, số người giàu cũng tăng theo nhanh chóng. Tuy nhiên, cùng với đó thì những mặt trái của sự phát triển như khoảng cách giàu nghèo cũng gia tăng.

Một số người giàu có di cư rất e ngại khi nói về lý do họ muốn sống ở nước ngoài.

Tại Trung Quốc, có hơn 800 công ty chính thức cung cấp dịch vụ di cư (và ngoài ra còn hàng trăm công ty chưa được cấp phép). Các công ty này hướng dẫn, tư vấn cho những người muốn di cư cách làm đơn xin visa định cư Mỹ, trả lời phỏng vấn, và nhận biết khả năng đầu tư ra nước ngoài. Well Trend United, một trong những công ty lâu năm và lớn nhất về dịch vụ này cho biết họ thu phí 30.000 USD/khách hàng.

Well Trend, với hàng chục văn phòng tại 10 thành phố lớn nhất Trung Quốc và hơn 400 nhân viên tư vấn visa định cư Mỹ, cho biết họ đã giúp 10.000 người Trung Quốc xin visa nước ngoài kể từ năm 1995. Larry Wang, người sáng lập công ty này cho biết, công việc kinh doanh sẽ vẫn phát đạt trong ít nhất 10 năm tới. “Dịch vụ này giúp cho nước Mỹ có thêm nguồn vốn đầu tư, đồng thời giúp người Trung Quốc hiện thực hóa giấc mơ vươn ra thế giới của họ. Vì vậy, đây là quan hệ cung cầu”.

Một vấn đề quan trọng với cả người muốn di cư và đất nước họ định đến là nguồn gốc tài sản của họ. Để đảm bảo họ không có lí lịch đen và tài sản là hoàn toàn trong sạch, các quan chức Mỹ, Canada và nhiều nước khác cần có những chứng từ chi tiết về nguồn tài sản này. Trong khi điều này là rất khó. “Những người giàu Trung Quốc rất không thích liệt kê hay báo cáo rõ ràng về tài sản của họ bởi họ ngại những vấn đề về thuế”.

Một số công ty trung gian đã cùng với khách hàng lập những giấy tờ giả, bởi nhiều người muốn nhập cư nhưng không có giấy tờ chứng minh được nguồn gốc tài sản, hoặc họ làm giàu bằng những ngành nghề không hợp pháp. “Họ là những con sâu làm rầu nồi canh. Vì những vụ việc như vậy, USCIS đã kiểm tra rất nghặt nghèo với những đơn xin visa định cư Mỹ EB-5”, Victor Lum, phó chủ tịch Well Trend cho biết.

Xét về dài hạn, nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng, làn sóng di cư có thể thoái lui. Chủ nhân khu resort golf và trượt tuyết Li cho biết một số người bạn của ông đang xem xét lại kế hoạch di cư. Một phần bởi những quy định ngày càng chặt chẽ ở Canada và nhiều nước khác. Và mặc dù người Trung Quốc vẫn luôn mong ước con cái họ có tấm bằng tốt nghiệp ở Mỹ hay Canada, nhưng họ không hẳn muốn di cư. “Khi tôi đến Canada lần đầu tiên, tôi nghĩ Trung Quốc thật lạc hậu và có lẽ phải mất 50 năm mới có thể theo kịp các nước phát triển. Nhưng 10 năm sau, tôi cho rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể bắt kịp với những nền kinh tế lớn”.

 

Hoàng Yến – (theo Business Week)