Học sinh từ 18 tuổi trở lên khi chuẩn bị hồ sơ du học Canada, phòng Di Trú Canada sẽ chỉ chấp nhận phiếu lý lịch tư pháp số 2 thay vì số 1 như trước đây. Đây là thông tin mới cập nhật quý phụ huynh – học sinh cần lưu ý.
Để làm hồ sơ du học Canada ngoài những giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh tài chính. Các học sinh sinh viên trên 18 tuổi phải chuẩn bị cho mình phiếu lý lịch tư pháp số 2 trước khi nộp hồ sơ xin giấy phép du học.
Phiếu lý lịch tư pháp là gì?
Phiếu lý lịch tư pháp ( the Judicial Certification) là một tài liệu (phiếu) do Sở Tư pháp ( hoặc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia) cấp, có giá trị chứng minh một người có hay không có án tích; có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập hay quản lý doanh nghiệp hay không.
Phiếu lý lịch tư pháp được trích từ hồ sơ Lý lịch tư pháp. Theo qui định tại Luật lý lịch tư pháp ( có hiệu lực từ 01/07/2010), lý lịch tư pháp của một công dân gồm 2 nhóm nội dung thông tin sau:
- Về án tích và tình trạng thi hành án – đối với người đã bị kết án bằng bản án hình sự. Cụ thể : người đó bị kết án về tội danh gì : điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí; ngày, tháng, năm tuyên án, Toà án đã tuyên bản án, số của bản án đã tuyên; tình trạng thi hành án.
- Về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập hay quản lý doanh nghiệp – trong trường hợp cá nhân có tham gia vào doanh nghiệp trước đó và đã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Cụ thể: bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp trong thời hạn bao lâu, theo bản án nào …
Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp gồm Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp sẽ cấp phiếu lý lịch tư pháp.Phiếu lý lịch tư pháp gồm 2 loại :
- Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân ( hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp).
- Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng ( gồm Công an, Viện kiểm sát và Tòa án) hoặc cấp theo yêu cầu của cá nhân.
Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 1 gồm:
1. Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
2. Tình trạng án tích:
a) Đối với người không bị kết án thì ghi “không có án tích”. Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung;
b) Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;
c) Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”.
3. Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:
a) Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;
b) Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu thì nội dung quy định tại khoản này không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp.
Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 2 gồm:
1. Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, họ, tên cha, mẹ, vợ, chồng của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
2. Tình trạng án tích:
a) Đối với người không bị kết án thì ghi là “không có án tích”;
b) Đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xoá, thời điểm được xoá án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Toà án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án.
Trường hợp người bị kết án bằng các bản án khác nhau thì thông tin về án tích của người đó được ghi theo thứ tự thời gian.
3. Thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:
a) Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;
b) Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp?
1. Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:
- Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú;
- Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam .
2. Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:
- Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước;
- Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài;
- Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
Thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp:
Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp ( gồm cả Phiếu số 1 và Phiếu số 2) nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp ( theo mẫu) và kèm theo các giấy tờ sau đây:
- Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
- Bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Tùy từng trường hợp, hồ sơ sẽ gửi tới các cơ quan như sau:
- Nếu là công dân Việt Nam : nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh;
- Nếu là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam : nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.
- Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp là 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ.
- Khi làm lý lịch tư pháp các bạn sẽ đóng lệ phí khoảng 200.000VND
(Cre: Luật Lý Lịch Tư Pháp – CEI Vietnam)