Đặt hẹn Luật sư
Định cư Mỹ
Định cư Canada
Định cư Châu Âu & Caribê

Danh Mục Những Thứ Bị Cấm Mang Vào Mỹ 2022

Nhận tin tức mới
Danh Mục Những Thứ Bị Cấm Mang Vào Mỹ 2022
29/11/2020

Danh mục những thứ bị cấm mang vào Mỹ đang là vấn đề thu hút sự quan tâm rất lớn đối với những người đang chuẩn bị nhập cảnh vào Mỹ. Và đương nhiên nếu đã nằm trong danh mục cấm thì việc vi phạm nếu có ( cho dù cố ý hay vô tình) đều sẽ bị tịch thu – tiêu huỷ và xử phạt hoặc nghiêm trọng hơn bạn có thể bị giam giữ – bị huỷ visa và bị lưu tên trong “danh sách đen nhập cảnh – danh sách du khách không văn minh” của nước Mỹ.

Vào những ngày lễ Lớn, trước và sau những dịp Lễ Tết thì không chỉ riêng người Việt đi du lịch mà cả công dân Mỹ khi trở về thăm gia đình thì đều có nhu cầu mang theo hàng hóa, thực phẩm rất nhiều đòi hỏi bạn bắt buộc phải nắm được danh mục những thứ bị cấm mang vào Mỹ này. Vì vậy để đảm bảo cho chuyến đi của mình nhanh chóng, an toàn và diễn ra một cách thuận lợi cũng như việc nhập cảnh vào Mỹ được diễn ra nhanh chóng, bạn hãy cùng Kornova tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!

Danh mục những thứ bị cấm mang vào Mỹ

Hiện tại Cục Hải Quan và Biên Phòng Mỹ ( US Custom and Bother Protection – CBP) chịu trách nhiệm đại diện cho 40 cơ quan chính phủ khác của Mỹ ( ví dụ như Cục Cá & Động Vật Hoang Dã Mỹ; Bộ Nông Nghiệp Mỹ; các Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ …v/v) để kiểm tra và ngăn chặn các sản phẩm không an toàn và bị cấm mang vào Mỹ nhằm giúp nước Mỹ tránh khỏi mọi mối đe doạ như mầm bệnh, sâu hại, dịch bệnh có thể xảy ra.

Cơ quan CBP cũng thực hiện trách nhiệm ngăn chặn sự xâm nhập vào nước Mỹ bởi những sản phẩm/ người có thể gây ra sự tổn thương sức khỏe của cộng đồng, mất an toàn công cộng, ảnh hưởng đến môi trường nước và đời sống động  thực vật hoặc gây hại cho lợi ích quốc gia của nước Mỹ.

Cục Hải Quan và Biên Phòng Mỹ ( CBP) yêu cầu tất cả những người nhập cảnh phải khai báo tất cả các thứ bạn mang vào Mỹ

Như lời của 1 giám sát viên của CBP gốc Việt chia sẻ: “Chúng tôi chỉ thi hành luật và chúng tôi không có chủ trương làm khó bất kỳ ai. Vì vậy lời khuyên của chúng tôi là mọi người nên khai báo rõ những gì mình mang vào nước Mỹ”.Vì vậy, nếu bạn đi du lịch/ du học/ làm việc tại Mỹ, đi định cư Mỹ (diện bảo lãnh, đầu tư định cư)… thì không được mang theo những thứ bị cấm mang vào Mỹ và đồng thời phải khai báo trong Tờ Khai Hải Quan (Customs Declaration) bằng tiếng Anh, hoặc tiếng Việt rõ ràng khi nhập cảnh.

Trong phạm vi bài viết này Kornova sẽ chia sẻ thông tin về các sản phẩm bị cấm mang vào nước Mỹ nhưng lại khá phổ biến trong cuộc sống hằng ngày của người Việt và vì vậy rất dễ dẫn đến việc vi phạm do vô tình.

1. Các loại thực phẩm

1.1 Thịt

Theo quy định của Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA), tất cả các sản phẩm thịt bao gồm thịt tươi/ khô/ sấy/ hun khói/ đã chế biến… v/v bao gồm cả các sản phẩm có chứa thành phần thịt đến từ những quốc gia có các mầm bệnh gia súc như: cúm gà, dịch tả lợn, bệnh bò điên, bệnh lở mồm long móng …v/v đều bị cấm mang vào nước Mỹ.

Bạn cũng không được mang 1 số loại thịt giăm bông đặc biệt của Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Ý vì lý do là loại thịt này phải có giấy tờ đặc biệt mới được nhập cảnh vào Mỹ và phải được vận chuyển qua đường thương mại.

Người Việt không nên mang thịt và các sản phẩm từ thịt vào Mỹ, chó nghiệp vụ của CBP  sẽ dễ dàng phát hiện.

Nói như vậy không có nghĩa là cấm hoàn toàn việc mang thịt vào nước Mỹ. Bạn vẫn có thể mang các sản phẩm thịt như sau:

  • Sản phẩm thịt đóng gói đúng quy cách bảo quản và có bao bì xuất xứ, giấy chứng nhận của những quốc gia được cho phép mang vào Mỹ (chỉ trừ thịt cừu và thịt dê). 
  • Các sản phẩm thịt tươi hoặc đã chế biến như thịt ngâm muối hay thịt khô, thịt để lạnh hay đông lạnh…v/v từ những nước không có bệnh gia súc và cũng phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, bao bì nhãn hiệu chính thức để chứng minh nước nơi sản phẩm xuất xứ. Các mục sau đây được coi là tài liệu chính thức có thể sử dụng chứng minh được gồm: bao bì nhãn mác; tài liệu viết; bằng chứng đi lại (hộ chiếu hoặc hành trình du lịch); nguồn gốc của chuyến bay; tài liệu nhận bán; Tài liệu từ CBP cấp (dựa trên cuộc phỏng vấn của viên chức CBP với người mang sản phẩm thịt vào nước Mỹ); giấy chứng nhận kiểm tra thịt; hoặc giấy chứng nhận xuất xứ.

Lưu ý:

  • Đối với các kiện hàng có lượng sản phẩm thịt quá 50 pound ( hơn 22,6 kg) sẽ tính là hàng thương mại và phải đáp ứng các yêu cầu bổ sung thông qua dịch vụ kiểm tra và an toàn thực phẩm của Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA). Liên hệ với cơ quan thẩm quyền tại Mỹ để xin giấy phép qua số điện thoại: (202) 720-9904 hoặc truy cập trang web www.fsis.usda.gov để biết thêm thông tin.
  • Bạn có thể tự kiểm tra danh sách các nước có thịt bệnh bị cấm mang vào nước Mỹ, tại đây.
  • Ngoài ra, bởi vì các quy định liên quan đến thịt và sản phẩm từ thịt được thay đổi thường xuyên, bạn nên liên hệ với lãnh sự quán hoặc văn phòng nông nghiệp địa phương ở nước xuất xứ để cập nhật thông tin về tình trạng bệnh của quốc gia đó.

1.2 Gia cầm

Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) không cho phép du khách mang hầu hết các loại thịt gia cầm hoặc các sản phẩm thịt gia cầm từ các nước bị ảnh hưởng các bệnh gia cầm nghiêm trọng như:

  • Bệnh Cúm gia cầm
  • Bệnh Newcastle

Thịt gia cầm nấu chín hoặc sản phẩm thịt gia cầm từ các nước bị ảnh hưởng sẽ được kiểm tra bởi Cục Hải Quan và Biên Phòng Mỹ ( US Custom and Bother Protection – CBP). Để kiểm tra tình trạng của một quốc gia cho các bệnh này, hãy truy cập trang này để kiểm tra.

Bạn có thể mang thịt gia cầm tươi (ướp lạnh hoặc đông lạnh), thịt gia cầm nấu chín, sấy khô từ các quốc gia mà không có các bệnh này nếu bạn có tài liệu chính thức để chứng minh nước xuất xứ của sản phẩm. Các mục sau đây được coi là tài liệu chính thức có thể sử dụng được gồm: bao bì nhãn mác; tài liệu viết; bằng chứng đi lại (hộ chiếu hoặc hành trình du lịch); nguồn gốc của chuyến bay; nhận bán; Tài liệu từ CBP cấp (dựa trên cuộc phỏng vấn của viên chức với người mang sản phẩm thịt vào nước Mỹ); giấy chứng nhận kiểm tra thịt; hoặc giấy chứng nhận xuất xứ.

Tổ yến và các sản phẩm chế biến từ yến đều bị cấm đem vào Mỹ

Lưu ý quan trọng: Đặc biệt, các du khách Việt Nam thường hay vi phạm mang tổ yến/ sản phẩm chế biến từ tổ yến như nước yến đóng hộp, yến chưng …v/v vào Mỹ. Đây là điều mà mọi người phải lưu ý không nên vi phạm. Tổ yến/ các sản phẩm chế biến từ tổ yến…v/v là sản phẩm bị cấm đem vào Mỹ vì đây thuộc loại có nguy cơ nhiễm bệnh Newcastle ở gia cầm và virus cúm gà H5N1. Khi bị Hải quan Mỹ bắt thì sản phẩm sẽ bị tịch thu – tiêu huỷ và bạn sẽ bị phạt tuỳ mức độ vi phạm (từ 300 USD trở lên, thậm chí còn có thể bị xử lý nặng hơn như trục xuất hoặc tạm giữ để điều tra).

1.3 Trứng, sữa và các sản phẩm từ trứng/ sữa

Trứng gia cầm cũng là sản phẩm không ngoại lệ trong danh mục những thứ bị cấm mang vào Mỹ. Tuy nhiên có hai ngoại lệ:

  • Trứng từ các quốc gia bị ảnh hưởng bệnh phải được nhập khẩu thương mại , đóng gói và dán nhãn, nấu chín và bao bì chưa bị mở ra khi chưa được cho phép.
  • Trứng nấu chín hoặc sản phẩm trứng từ các nước bị ảnh hưởng sẽ được Cục Hải Quan và Biên Phòng Mỹ ( CBP) kiểm tra gắt gao nếu không nấu chín hoàn toàn sẽ không được phép mang vào nước Mỹ nếu không có giấy phép nhập khẩu.

Sản phẩm lưu niệm từ vỏ trứng có trang trí/ khắc/ sơn (với lòng trắng và lòng đỏ trứng được loại bỏ hoàn toàn thì bạn được mang vào Mỹ tuy nhiên phải sạch sẽ và xử lý khô ráo và chỉ được mang tối đa 12 vỏ quả trứng/ người.

Bánh Trung Thu (Moon Cake)/ bánh pía: Yêu cầu cụ thể là Bánh trung thu/ bánh pía không được chứa thịt, trứng hoặc lòng đỏ trứng.

Du khách có thể mang trứng tươi hoặc được bảo quản từ các quốc gia không có các bệnh này nếu họ có tài liệu chính thức để chứng minh nước xuất xứ của sản phẩm.

Xem thêm: Điều kiện cấp visa Mỹ

Bánh pía chay ( không có lòng đỏ trứng/ thịt) được phép mang vào nước Mỹ

Sữa: Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) không cho phép du khách mang hầu hết các sản phẩm sữa từ những nước có bệnh Foot & Mouth disease (FMD) ở Việt Nam được gọi là bệnh lở mồm long móng.

Bạn có thể mang sữa hoặc các sản phẩm từ sữa từ các quốc gia mà không có FMD nếu có có tài liệu chính thức để chứng minh nước xuất xứ của sản phẩm.

Bạn cũng có thể mang theo sữa công thức cho em bé sử dụng với số lượng nhỏ – đủ cho vài ngày dùng (sữa bột công thức phải có bao bì  đóng gói theo quy cách thương mại và có nhãn mác xuất xứ rõ ràng). 

Sữa mẹ được phép mang vào nước Mỹ số lượng không giới hạn ở các dạng đông đá, trữ lạnh trong thùng xốp chuyên dụng và đóng kiện theo hành lý ký gửi. Riêng sản phẩm sữa dê bạn cần liên hệ Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) để biết thêm thông tin trước khi mang vào.

Ngoài ra, trong các sản phẩm chế biến từ sữa thì phô mai, dầu bơ và bơ ( phải là dạng rắn – không phải là chất lỏng) bạn được phép mang vào Mỹ từ bất cứ nước nào. 

Để kiểm tra quốc gia nào đang có bệnh gia cầm du khách có xem tại đây.

1.4 Hải sản

Trên cơ bản, hải sản không bị cấm mang vào Mỹ. Bạn có thể mang một số loại hải sản, đã nấu chín, khô, đóng hộp, xông khói hoặc đông lạnh vào Mỹ. Nhưng bạn cần lưu ý các sản phẩm thuỷ hải sản có tẩm bột chứa các thành phần với nguồn gốc động vật bị cấm.

Đồng thời có 1 một số ít loại cá, hải sản , động vật hoang dã và các sản phẩm làm từ chúng sẽ bị kiểm soát, yêu cầu giấy phép hoặc cấm. Bạn có thể xem danh mục các loại không được mang vào Mỹ TẠI ĐÂY

1.5 Gia vị, mật ong, trà và cà phê

Với Cà phê, Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) có quy định rằng:

  • Trái cà phê tươi: Bạn không được mang trái cà phê chưa được chế biến vào bất cứ cửa khẩu nào của Mỹ. 
  • Cà phê Berries: quả cà phê tươi (định nghĩa là chưa chế biến)  toàn bộ bị cấm nhập cảnh Mỹ. Cà phê rang: du khách được phép mang theo số lượng không giới hạn của cà phê rang nhập cảnh. Tuy nhiên, như với tất cả các sản phẩm nông nghiệp, bạn phải khai báo sản phẩm khi nhập cảnh.
  • Hạt cà phê Xanh (không rang): du khách được phép mang theo số lượng không giới hạn của hạt cà phê xanh trong hành lý của họ mà không hạn chế nhập cảnh Mỹ. Tuy nhiên, hạt cà phê màu xanh lá cây bị cấm đi vào hoặc quá cảnh qua Hawaii hoặc Puerto Rico. và cũng như với tất cả các sản phẩm nông nghiệp, bạn phải khai báo sản phẩm khi nhập cảnh. Nếu bất kỳ loài gây hại kiểm dịch nào được tìm thấy trong hạt cà phê xanh, sản phẩm sẽ bị tịch thu và tiêu hủy.

Đối với các loại trà quy định như sau:

  • Trà xanh / đen/ vàng thông thường : Dạng rang sẵn hoặc túi lọc Bạn đều có thể mang vào nước Mỹ nhưng phải khai báo rõ ràng.
  • Riêng với các loại trà thảo dược/ trà bạc hà/ có chứa sả, lá cam quýt (Rutaceae), Hoa, vỏ cây, rễ, vỏ, trái cây hoặc bánh làm từ trái cây như bánh xoài (bánh tráng xoài) thì phải là các sản phẩm đã được trải qua xử lý nhiệt và được đóng gói bao bì thương mại có xuất xứ rõ ràng dùng để đun sôi hoặc nấu trong lò vi sóng (viba).

Lưu ý:

  • Cấm mang vào nước Mỹ lá Coca và Khat (trà Ả Rập) – đây là các sản phẩm bị giới hạn chất kiểm soát bởi liên bang.
  • Các sản phẩm có chứa vỏ cây có nguồn gốc từ các thực vật nguy cấp sắp tuyệt chủng – đang được bảo vệ theo công ước về thương mại quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Xin vui lòng xem thêm thông tin tại đây
  • Ngoài ra, bất kỳ sản phẩm có chứa lá cây hoàng liên gai (Berberis) hoặc hoa Prunus (mơ, anh đào, mận đào… vv)  đều bị cấm mang vào nước Mỹ.

Mật ong (sáp ong) : Du khách được phép mang mật ong, sáp ong vào Mỹ miễn không phải dùng để làm thức ăn cho ong nuôi trong trại và phải khai báo là dùng cho cá nhân. Đồng thời bạn cũng cần lưu ý về nơi xuất xứ của sản phẩm và thành phần mật ong không được chứa chất kháng sinh không được sự phê chuẩn của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA)

Gia vị: Hầu hết các loại gia vị khô có thể được nhập khẩu trừ lá cam, chanh, quýt và các hạt giống khác.

Lưu ý: việc mang theo Sả ( không phải sản phẩm đóng gói thương mại vào Mỹ) sẽ có thể khiến bạn bị kiểm tra kỹ lưỡng hơn và mất thời gian làm thủ tục nhập cảnh hơn.

Có thể bạn nên biết: Có quốc tịch Mỹ hoặc thẻ xanh Mỹ được miễn thị thực (visa) những nước nào?

1.6 Hạt, Rau củ, quả

Không mang rau củ quả vào nước Mỹ

Các loại hạt: Bạn được cho phép nhập cảnh vào Mỹ nếu đã được luộc, nấu chín, sấy khô, rang, xay nhuyễn, hoặc hấp chín. Nếu các loại hạt được chế biến theo các cách thức khác (ví dụ nguyên trong vỏ trấu) bạn có thể kiểm tra với Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA – Điện thoại: 877-770-5990 hoặc bằng email: plantproducts.permits@aphis.usda.gov).

Hầu như tất cả các loại trái cây và rau củ tươi, đông lạnh, sấy khô (còn nguyên hoặc đã bị cắt nhỏ) đều bị cấm nhập vào Mỹ vì tiềm năng gây hại và nguy cơ bệnh cho nông nghiệp Mỹ. Bao gồm cả trái cây tươi hoặc rau quả bạn có trên máy bay / hoặc tàu du lịch. Vì vậy bạn nên Không mang rau củ quả vào nước Mỹ.

Các loại trái cây và rau quả đóng hộp theo quy chuẩn thương mại & có bao bì nhãn mác xuất xứ được phép mang vào nước Mỹ và phải khai báo trong tờ khai nhập cảnh vào Mỹ. Tuy nhiên các sản phẩm trái cây – rau củ quả tự đóng hộp tại nhà bị cấm do vẫn không đảm bảo quy chuẩn loại bỏ hết các mầm sâu bệnh gây hại.

Trong số các loại rau quả khô bị cấm mang vào Mỹ vẫn ngoại lệ một số loại như trái sung, đậu bắp, đậu chà là, các loại hạt (trừ hạt sồi và hạt dẻ), đậu Hòa Lan, tiêu Tứ Xuyên và nho khô.

1.7 Cây trồng, Hoa & Cây chiết nhánh – cắt cành, hạt giống

Cây trồng trong đất hoàn toàn bị cấm mang vào Mỹ. Bạn có thể mang theo tối đa 12 loại cây có rễ trần (không có đất, cát, đất hoặc các phương tiện trồng trọt khác) nếu chúng đáp ứng các điều kiện sau:

  • Các loài thực vật này không bị cấm, được bảo vệ theo Đạo luật hoặc Công ước về các loài có nguy cơ tuyệt chủng đối với các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, hoặc phải chịu bất kỳ hạn chế đặc biệt nào, chẳng hạn như kiểm dịch hoặc xử lý sau nhập cảnh
  • Bạn có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Tổ chức Bảo vệ Thực vật Quốc gia của quốc gia bạn rời đi cho thấy các cây trồng này không có sâu bệnh.
  • Cục Hải Quan và Biên Phòng Mỹ ( CBP) sẽ kiểm tra các cây này khi nhập cảnh để xác định chúng không có sâu bệnh và đáp ứng tất cả các yêu cầu nhập cảnh.
  • Khách du lịch có thể bọc cây trong tờ báo ẩm hoặc vật liệu tương tự để ngăn chúng bị khô. Rễ của chúng có thể được đặt trong một túi nhựa.
Cây trồng trong đất bị cấm mang vào Mỹ

Hoa tươi cắt cành và cây xanh cắt cành: Phải được trình bày cho Cục Hải Quan và Biên Phòng Mỹ ( CBP) tại nơi bạn nhập cảnh đầu tiên để kiểm tra. Nếu chuyên gia hoặc cán bộ nông nghiệp CBP tìm thấy sâu bệnh hại cây trồng trên hoa hoặc cây xanh của bạn hoặc xác định rằng các mặt hàng không đáp ứng yêu cầu nhập cảnh, họ có thể từ chối nhập cảnh. Một số hoa và cây xanh bị cắt cành có thể phải đáp ứng các yêu cầu bổ sung để vào Mỹ nếu chúng có thể ăn được, trồng được hoặc nếu chúng thuộc các loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng hoặc được bảo vệ.

Hạt giống: Hạt giống từ cây trồng đều bị cấm mang vào nước Mỹ.

2. Thức uống có cồn & Thuốc lá

Thức uống có cồn: Đối với du khách từ 21 tuổi trở lên mới được phép mang theo rượu vào nước Mỹ. Và dù bằng hình thức ký gửi hay xách tay đi chăng nữa thì bạn cũng không được phép mang theo bất kỳ đồ uống nào có nồng độ cồn >70% vào nước Mỹ. Đây là thước đo quy định nghiêm cấm của Cục Hải Quan và Biên Phòng Mỹ ( CBP).

Tối đa bạn được mang 1 lít rượu miễn thuế/ ngày vào Mỹ. Trường hợp bạn đến từ quần đảo Virgin thuộc Mỹ hoặc các nước Caribê khác có thể được được hưởng nhiều hơn quy định 1 lít rượu miễn thuế/ ngày. Tất cả các loại đồ uống có cồn mua tại các cửa hàng miễn thuế phải chịu thuế tiêu thụ của Liên bang khi bạn mang vào Mỹ. Và với số lượng nhiều hơn sẽ phải chịu các khoản thuế liên bang được ước tính và nộp tại cửa khẩu nhập cảnh.

Hải quan Mỹ không giới hạn số lượng rượu/ rượu vang nồng độ cồn dưới 24% mà bạn đưa vào đất nước miễn là bạn trên 21 tuổi và đã thanh toán đầy đủ thuế tiêu thụ liên bang khi mua và khai báo đầy đủ. Tuy nhiên, việc mang vào 1 số lượng rượu lớn có thể gây ra những sự đáng ngờ cho hải quan rằng bạn đang mang rượu vào sử dụng cho mục đích thương mại, và khi ấy bạn sẽ bị yêu cầu tuân thủ theo các quy định của luật quản lý rượu liên bang ( FAA Act) xuất trình đầy đủ các giấy tờ cơ bản cho phép bạn nhập khẩu rượu vào Mỹ như:  giấy phép nhập khẩu thông qua Cục thuế rượu và thương mại (TTB), giấy chứng nhận phê duyệt nhãn (COLA) với Cục rượu và thuế thuốc lá và thương mại Mỹ.

Lưu ý:

  • Những người dưới 21 tuổi mang theo rượu dù để làm quà – không hề uống cũng bị xem là bất hợp pháp.
  • Mức thuế tiêu thụ liên bang thực tế hoặc phí có thể thay đổi tùy trường hợp. Các thông tin trên được áp dụng cho rượu homemade và theo quy trình tương tự như mua rượu vang.
  • Đặc biệt: Đồ uống có cồn Absinthe ( thường được gọi là Nàng Tiên Xanh) là thứ đầu tiên nằm trong danh mục những thứ bị cấm mang vào Mỹ khi làm thủ tục nhập cảnh. Đây là 1 loại đồ uống chiết xuất từ cây cùng họ và gần giống với ngải cứu là cây Ngải Chi (Artemisia absinthium) cùng các loại thảo dược khác. Tại nhiều quốc gia gồm có cả Việt Nam có thể Absinthe không bị cấm lưu hành sử dụng nhưng Mỹ đặc biệt nghiêm cấm mang loại thức uống này vào do tác hại của Absinthe sẽ gây ra các ảo giác cho người uống và dễ gây ra các hệ quả nghiêm trọng cho xã hội, vì vậy Hải quan Mỹ cấm không cho mang bất kỳ đồ uống nào chứa 1/10,000 chất Thujone (là chất có trong Absinthe).
Thức uống có cồn Absinthe bị cấm đem vào Mỹ
  • Ngoài ra, mỗi tiểu bang có các quy định và điều luật  khác nhau rất nhiều và có thể khắc khe thậm chí hạn chế hơn so với các quy định của Liên bang. Các tiểu bang thường có những hạn chế về lượng rượu có thể được mang vào tại bang đó. Bạn nên kiểm tra thông tin của tiểu bang bạn định vào trước để tìm hiểu xem chính sách của họ là gì.
  • Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi về nhập khẩu đồ uống có cồn cho mục đích thương mại, liên hệ với Cục thương mại thuế thuốc lá và rượu của Mỹ.

Thuốc lá: Theo định nghĩa “sản phẩm thuốc lá” bao gồm:  xì gà (cigars), thuốc lá, thuốc lá không khói (thuốc lá hoặc thuốc lá nhai), thuốc lào…v/v. Chỉ người trên 21 tuổi mới được mang theo thuốc lá khi vào Mỹ và tối đa 200 điếu thuốc/ người & 100 điếu xì gà. Thuốc lá là sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Riêng với xì gà Cuba, thì theo thông báo của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (Office of Foreign Assets Control) vào ngày 17.10.2016, du khách được phép mang vào nước Mỹ nhưng phải theo quy định khống chế số lượng như trên đồng thời trị giá không được vượt quá 800 USD cho mục đích cá nhân – phi thương mại.

3. Các sản phẩm sinh học

Thuốc trừ sâu, men sinh học, thuốc diệt cỏ, các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ,… là những sản phẩm sinh học nằm trong danh mục những thứ bị cấm mang vào Mỹ.

Lưu ý: Chỉ có sự cho phép của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ hoặc Bộ Nông nghiệp Mỹ thì mới có thể mang theo các sản phẩm sinh học nêu trên vào nước Mỹ.

4. Dược phẩm và thuốc

Bạn có thể mang theo thuốc nhưng không quá nhiều. Thuốc có thành phần chứa ma túy hoặc chứa các khả năng gây nghiện và lạm dụng cao bị cấm đồng thời người cố tình mang vào sẽ đối mặt với những hình phạt nghiêm trọng thậm chí bị bắt giam khi cố ý vi phạm. Các loại thuốc thảo mộc có thể được mang theo nếu không có bất cứ chất gì làm thay đổi bên trong cơ thể người sử dụng.

Thuốc tán nhuyễn không nhãn mác hoặc màu thuốc – chất lượng bị biến đổi không tuân thủ quy định của FDA đều bị liệt kê là vật phẩm bị cấm mang vào nước Mỹ.

Riêng trường hợp những người bị tiểu đường hoặc có bệnh cần dùng thuốc cần mang theo toa thuốc/ chỉ định của bác sĩ nhưng cũng không được mang theo quá nhiều (ít hơn 1 năm). Nếu trên một năm, bạn cần nên có sự bảo đảm của bác sĩ ở Mỹ.

Có thể bạn quan tâm: Visa Mỹ 2020 : Hướng dẫn gia hạn và đặt lịch hẹn phỏng vấn

5. Các sản phẩm được làm từ lông mèo, lông chó

Đây là dòng sản phẩm nhạy cảm bị cấm mang vào Mỹ đồng người vận chuyển sản phẩm làm từ lông chó/ mèo bất kể mục đích gì đi chăng nữa cũng có thể bị phạt hành chính hoặc bị giam giữ. Mức phạt được áp dụng từ 3,000 USD – 10,000 USD (tùy thuộc vào mức độ). Đây là quy định theo Đạo Luật Bảo Vệ Chó – Mèo đã được ban hành từ năm 2000.

Sẵn đây Kornova xin giải đáp một số thắc mắc của một số cá nhân “Có được mang chó lên máy bay không?”

Câu trả lời là bạn được phép. Tuy nhiên phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) yêu cầu tất cả các con thú cưng phải khỏe mạnh. Thú cưng của bạn cần đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe động vật cụ thể cho điểm bạn nhập cảnh vào Mỹ.

  • Thú cưng đến từ quốc gia có nguy cơ mắc bệnh dại thấp KHÔNG cần phải có giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh dại. Tuy nhiên, khi bạn đến Mỹ, bạn phải cung cấp một bằng văn bản xác nhận rằng thú cưng của bạn đã sống ở một quốc gia có nguy cơ bệnh dại thấp trong ít nhất 6 tháng.
  • Trường hợp thú cưng đến từ các quốc gia có nguy cơ cao PHẢI có giấy chứng nhận vắc-xin bệnh dại hợp lệ để vào Mỹ . Để xem danh sách các quốc gia có nguy cơ cao, vui lòng truy cập trang web của CDC TẠI ĐÂY.

Vì vậy nếu bạn muốn mang theo thú cưng cùng vào Mỹ thì bạn cần liên hệ với bác sĩ thú y địa phương để hỗ trợ quá trình đi lại thú cưng. Chuẩn bị các giấy tờ chứng nhận sức khỏe, Cập Nhật tiêm chủng đầy đủ, Tiến hành kiểm tra chẩn đoán, hoặc quản lý thuốc/ phương pháp điều trị từ một cơ sở thú y uy tín.

6. Vũ khí

Hầu hết các loại vật dụng được xem là vũ khí đều được mang theo vào Mỹ nhưng với hình thức ký gửi và được hãng hàng không chuyên chở chấp thuận. Nghe có vẻ hơi kỳ lạ vì vốn dĩ vũ khí thuộc loại vật dụng có khả năng gây sát thương cực kỳ nguy hiểm nhưng chúng lại không nằm trong danh mục những thứ bị cấm mang vào Mỹ. Cụ thể:

  • Các loại vật dụng sắc nhọn như cung tên,kiếm , búa, dao, kéo, vũ khí phục vụ võ thuật phải được đóng hộp cẩn và khai báo ký gửi nếu chủ nhân muốn đem vào nước Mỹ.
  • Các loại súng (súng khí nén, súng ngắn, súng trường, súng BB, Súng Pallet) và đạn dược đều bị cấm vận chuyển trên cabin. Ngược lại có thể được đem vào nước Mỹ với số lượng nhỏ bằng ký gửi, nhưng phải được để kỹ càng trong hộp, bao bì có thiết kế đặc biệt.

Lưu ý: Mặc dù vậy, lời khuyên là các du khách không nên mang theo những loại vũ khí nêu trên, tất nhiên có thể được hãng hàng không cho phép nhưng trường hợp này rất hiếm và phải mất thời gian rất nhiều vì phải trải qua khâu kiểm soát gắt gao. Riêng Việt Nam thì nhà nước quy định cá nhân không được phép sở hữu, tàng trữ hay sử dụng súng/ đạn…  

7. Các sản phẩm làm từ các động vật sắp tuyệt chủng hoặc trong danh sách được bảo tồn trên thế giới

Các sản phẩm như: ngà và các vật dụng từ ngà voi (Châu Á hoặc châu Phi), răng hải mã, răng cá voi được trang trí điêu khắc, làm thành các bức tượng nhỏ (netsuke), mặt dây chuyền hoặc đồ trang sức khác, sừng tê giác, da loài bò sát…v/v bị cấm mang vào nước Mỹ.

8. Định cư Mỹ được mang bao nhiêu tiền?

Nếu mang quá 10,000 USD bạn buộc phải khai báo nếu không sẽ bị tịch thu và bị phạt

Đây là vấn đề xảy ra của hầu hết với người định cư Mỹ và cũng dễ hiểu cho trường hợp này vì sau khi được bảo lãnh định cư Mỹ diện bảo lãnh thân nhân hay diện đầu tư định cư Mỹ thì những trường hợp đi định cư thường đem tất cả tài sản sang Mỹ. Tuy nhiên bạn cần lưu ý quy định về việc mang theo tiền – tài sản để không bị vi phạm.

Theo Cục Hải Quan và Biên Phòng Mỹ (CBP) thông báo, không phải chỉ có tiền mà bao gồm bất kỳ thứ gì có thể được xem là tiền (ngân phiếu, séc du lịch, chứng thư ngoại tệ, tiền ngoại tệ khác USD, vàng…) có tổng giá trị trị giá trên 10,000 USD thì bạn phải khai báo tại trạm hải quan thuế phi trường khi bạn xuất – nhập cảnh Mỹ. Nếu bạn mang số tiền trên 10,000 USD mà không khai báo và bị phát giác, số tiền sẽ bị tịch thu và bạn có thể bị bắt đồng thời phải nộp phạt.

Tuy nhiên, nếu bạn khai báo rõ ràng, chắc chắn bạn sẽ không bị tịch thu. Trường hợp mang quá số tiền quy định và tiến hành khai báo, bạn sẽ điền vào mẫu đơn 105 có tên “Report of International Transportation of Currency or Monetary Instruments” (Khai báo về việc mang tiền hoặc các công cụ tài chính ra nước ngoài) do nhân viên thuế quan  hướng dẫn và cung cấp.

Hãy trung thực khai báo tất cả những thứ bạn mang vào nước Mỹ cho dù bạn có vô ý mang phải đồ bị cấm

“Đã có những trường hợp du khách mang theo số tiền lên đến 200,000 USD dùng để đánh bạc và khai báo đầy đủ – chúng tôi hoàn toàn không tịch thu số tiền này”. Ông Paul Nguyễn – 1 nhân viên CBP có thâm niên hơn 10 năm tại CBP chia sẻ: “Chúng tôi được Bộ Nông Nghiệp Mỹ và FDA huấn luyện rất kỹ càng để ‘khám phá’ những loại thực phẩm – sản phẩm bị cấm. Ngoài ra, chúng tôi cũng được huấn luyện về tâm lý để đoán biết ngay ai mang đồ cấm hoặc không. Chúng tôi cũng có những nguồn tin từ các cơ quan tình báo cung cấp”.

Cách thức hải quan Mỹ kiểm tra hành lý nếu phát hiện thực phẩm cấm

Tại phi trường Los Angeles hay New York, Mỹ,  CBP có sự hỗ trợ của các chó nghiệp vụ được huấn luyện đặc biệt để đánh hơi phát hiện mùi thực phẩm/ sản phẩm trong danh mục những thứ bị cấm mang vào Mỹ.

Khi chó ngửi thấy mùi thực phẩm trong hành lý, nó sẽ ngồi xuống cạnh du khách mang hành lý đó. Đây chính cách thức kiểm tra thực sự rất văn minh và hải quan Mỹ luôn tạo cơ hội để mọi du khách tự giác thừa nhận hàng hóa của mình, nếu lỡ vô tình vi phạm.

Cụ thể khi máy bay đáp xuống du khách được cấp một mẫu đơn “Custom Declaration” còn được gọi là “Tờ khai hải quan” có thể sử dụng tiếng Anh, tiếng Việt hoặc một thứ tiếng nào đó để khai báo.

Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện hành lý của hành khách có mang đồ cấm, Chúng tôi luôn hỏi các hành khách ít nhất 3 lần về việc họ có mang theo các đồ cấm không nhằm tạo cơ hội cho họ thành thật khai báo. Viên chức CBP  sẽ lặp lại tối thiểu 3 lần với câu hỏi : “Quý vị có mang thứ gì bị cấm không? nhằm tạo cơ hội cho họ thành thật khai báo. Và sau đó sẽ tiến hành lục soát hành lý bị nghi ngờ”. Một viên chức của CBPcho biết.

Chó nghiệp vụ được huấn luyện của CBP có thể phát hiện tất cả các thứ bị cấm đem vào Mỹ
Nếu trường hợp bạn đã nắm rõ được danh mục những thứ bị cấm mang vào Mỹ nhưng vẫn cố ý mang vào những sản phẩm nêu trên. Tốt hơn hết là nên tuân thủ điền vào mẫu đơn tờ khai hải quan này vì việc sử dụng chó đánh hơi thực phẩm ở phi trường được áp dụng từ lâu và hiệu quả tại Mỹ.
Ngoài ra còn có cả máy rà hành lý để tìm những thứ cấm mang vào Mỹ. Nếu không thành khẩn khai báo các thứ bị cấm mang vao Mỹ thì hậu quả sẽ còn nghiêm trong hơn là tịch thu những thứ cấm đó & bị phạt thêm thậm chí tuỳ mức độ vi phạm bạn có thể bị bắt giam. Nghiệp vụ của các viên chức CBP tại sân bay được FDA được đào tạo để nắm bắt được tâm lý người đang mang đồ cấm hay không.
Đối với quy định mang chất lỏng trong hành lý xách tay lên máy bay, thì không chỉ trên các chuyến bay tới Mỹ mà hầu hết các hãng hàng không quốc tế khác, bạn đều nên ghi nhớ quy tắc 3-1-1 do TSA (Transportation Security Administration) quy định. Cụ thể:
  • 3 – 3,4 oz.(tương đương 100 ml) là số dung tích tối đa cho từng lọ chất lỏng. Đây được xem là con số chuẩn trong an ninh hàng không.
  • 1 là 1 túi đựng các chai lọ mỹ phẩm, chất lỏng bằng nhựa trong, kích cỡ 20×20 cm và có khóa zip.
  • 1 là 1 hành khách chỉ được phép mang 1 túi zip nói trên trong hành lý xách tay.

Xem thêm: Quy tắc vàng giúp chọn được công ty tư vấn định cư uy tín

Tổng kết bài viết danh mục những thứ bị cấm mang vào Mỹ

Kết thúc bài viết, Kornova xin tóm tắt lại với các anh / chị độc giả của Kornova những điều cần ghi nhớ sau:

  • Khi nhập cảnh tại sân bay Mỹ, bạn cần khai trung thực về số tiền mang theo, đồ dùng, thực phẩm mang theo. Nếu lỡ vì sơ ý mang theo đồ cấm cũng hãy thành thật khai báo ( bạn cũng chỉ bị tiêu huỷ sản phẩm và có thể tránh khỏi các rắc rối như bị phạt, tạm giam, huỷ visa…).
  • Không nên mang theo thịt (cho dù đã chế biến hay chưa) của các loài động vật và gia cầm cùng các loại trứng sữa/ các loại rau củ – trái cây tươi vào Mỹ. Tốt nhất bạn KHÔNG mang theo những thứ có trong danh mục cấm của hải quan Mỹ. Nước Mỹ rất giàu có và trù phú, có đầy đủ các sản phẩm bạn cần, vì vậy bạn không nên mang theo những thứ có trong danh mục cấm của hải quan Mỹ để bị ảnh hưởng đến cả chuyến đi hiện tại và có thể cả sau này khi nhập cảnh vào Mỹ.
  • Cuối cùng, nếu bạn không chắc chắn về sản phẩm bạn định mang theo đi Mỹ có được phép hay không  và để tránh những phiền phức không đáng có trong khi làm thủ tục nhập cảnh, bạn hãy vào trang web của FDA để biết rõ danh mục những thứ bị cấm mang vào Mỹ.

Bạn có thể tham khảo thêm thông tin tại các trang web sau của chính phủ Mỹ sau để nắm rõ các thông tin và tránh việc vi phạm nhé:

Luôn trung thực kê khai tất cả các sản phẩm nông nghiệp mà bạn đang mang theo vào nước Mỹ

Chúc các anh/ chị và các bạn có được những chuyến đi vui vẻ đến nước Mỹ.

Ngoài ra, Canada cũng đang là quốc gia được nhiều người Việt quan tâm định cư sinh sống, làm việc và học tập nhiều không kém Mỹ, và là quốc gia láng giềng thân thiết với Mỹ. Vì có nhiều độc giả cũng đang hoang mang về vấn đề thực phẩm nào được phép mang vào Canada và những loại bị “cấm” nên Kornova sẽ giải đáp hết những thắc mắc đó cho quý đọc giả tại đây: Những thực phẩm bị cấm mang vào Canada

(Cre: Kornova – Tư vấn định cư Mỹ – Canada – Châu Âu)