Đặt hẹn Luật sư
Định cư Mỹ
Định cư Canada
Định cư Châu Âu & Caribê

Cánh cửa khép lại hay mở rộng?

Nhận tin tức mới
07/02/2012

Thời Báo hỏi chuyện Tổng trưởng Công dân vụ Di trú về những thay đổi trong việc bảo lãnh cha mẹ và người phối ngẫu

LTS. Sau khi Bộ Công dân vụ và Di trú công bố việc tạm ngưng nhận hồ sơ bảo lãnh cha mẹ, nhiều độc giả đã đề nghị Thời Báo có bài viết nói rõ thêm về các thay đổi trong chương trình bảo lãnh thân nhân. Thời Báo đã tiếp xúc với ông Jason Kenney, Tổng trưởng Công dân vụ và Di trú . Dưới đây là phần ghi chép cuộc nói chuyện giữa ông Tổng trưởng Kenney và nhà báo Đỗ Quân qua điện thoại hôm thứ Tư 9/11/2011.
Thời Báo

*Đỗ Quân (ĐQ): Chào ông Tổng trưởng. Kể ra từ khi gặp ông lần sau cùng trước ngày bầu cử quốc hội ở phòng thu hình của chúng tôi trước đến bây giờ đã khá lâu. Xin gửi ông lời chúc mừng trễ.
– Tổng trưởng Jason Kenney (J. K): Cám ơn ông nhiều lắm. Tôi rất mong có dịp ghé đến tòa soạn để chúng ta lại nói chuyện với nhau trên truyền hình.

*ĐQ: Thưa ông Tổng trưởng, như với những thay đổi, sẽ có nhiều người không hài lòng, ông nghĩ gì khi có người gọi những thay đổi – 2 năm ngưng nhận đơn, về chính sách di trú là cánh cửa đoàn tụ gia đình cuối cùng đã đóng lại?
– J. K: Không, ngược lại là khác, chúng tôi đã mở cánh cửa đoàn tụ gia đình rộng hơn bao giờ hết. Bằng cách tăng con số cha mẹ và ông bà sẽ được nhận vào Canada thêm 60% đến mức cao nhất trong lịch sử Canada. Từ 15,000 người trong chương trình đó năm nay, chúng tôi sẽ nhận 25,000 người trong năm tới và trong năm sau nữa. Như thế chúng tôi mở rất rộng việc đoàn tụ gia đình vào Canada. Tăng chương trình đó từ mức 6% trong số nhập cư tổng quát lên đến 9%. Như thế việc này làm cho chương trình đoàn tụ rộng rãi nhất thế giới trở nên rộng rãi hơn nữa.

*ĐQ: Theo thông cáo báo chí của bộ, hiện nay có chừng 167,000 đơn xin bảo lãnh loại này đang còn tồn đọng?
– J. K: Đúng, vấn đề là ở đó. Hiện có chừng 165 ngàn đơn xin trong chương trình đó bị dồn đọng. Mỗi năm chúng ta nhận chừng 40 ngàn đến 50 ngàn đơn cho chương trình đó, con số này nhiều hơn có số chúng ta có thể nhận với tính cách di dân, do đó nếu chúng ta không có biện pháp thì sự ối đọng sẽ càng tăng thêm… Chúng ta sẽ có thể bị tồn đọng tới 350 ngàn hồ sơ và thời gian chờ đợi sẽ tăng đến 20 năm ngay trong thập kỷ này.
Thế cho nên với chúng tôi, việc không làm gì sẽ là không thể chấp nhận được. Cứ để như thế về mặt chính trị sẽ dễ dàng hơn vì chẳng phải đưa ra một quyết định chính trị nào hết nhưng làm như như thế là một điều không đúng đối với những gia đình mong chờ đoàn tụ vì thời gian chờ đợi hai mươi năm là…

*ĐQ: đúng là không thể…
– J. K: Đó là lý do tại sau kế hoạch hành động của chúng tôi cho đoàn tụ gia đình sẽ tăng con số cha mẹ và ông bà mà chúng tôi sẽ nhận vào hằng năm. Nhưng chúng tôi cũng đã phải đề ra biện pháp tạm ngưng hai năm. Nếu không thì danh sách tồn đọng sẽ tăng thêm cho dù chúng tôi nhận nhiều hơn. Với hiệu quả chung của việc nhận nhiều hơn cộng với hai năm tạm ngưng nhận đơn, chúng tôi hy vọng rằng sau hai năm nữa có thể giảm được sự tồn đọng và thời gian chờ đợi xuống còn phân nửa và về quyết định ngưng hai năm chúng tôi sẽ tham khảo với người dân Canada, trong đó có cả cộng đồng VN, về cách cấu trúc chương trình này và bảo đảm cho cách đó được công bằng, nhanh chóng và hữu hiệu trong tương lai để tránh tồn đọng. Chúng tôi sẽ mở lại chương trình để nhận đơn sau hai năm nhưng sẽ có cách quản lý tốt hơn con số đơn nhận vào. Nhưng chúng tôi không thể tăng quá mức số di dân vào Canada.

*ĐQ: Chúng tôi muốn biết về tỉ lệ hồ sơ bảo lãnh đoàn tụ thành công hiện tại. Số trường hợp bảo lãnh cha mẹ hiện nay thành công là bao nhiêu?
– J. K: Tôi nghĩ là khoảng 78%. Một trong bốn đơn thường không hội đủ điều kiện.

*ĐQ: Và lý do thất bại thường thấy nhất là gì?
– J. K: Có hai điều, về phía gia đình bảo lãnh là thiếu điều kiện về thu nhập và về phía người được bảo lãnh là không thể được nhận vì thiếu điều kiện về sức khỏe – đang có bệnh.

*ĐQ: … và kế hoạch hành động nhấn mạnh đến sự hao tốn về mặt chi phi y tế cho các cha mẹ và ông bà được bảo lãnh, đúng không?
– J.K: Có 4 điểm trong chương trình hành động. Một là nhận thêm số cha mẹ và ông bà bảo lãnh thêm 60%. Hai là tạm ngưng nhận hồ sơ mới trong hai năm. Ba là tổ chức tham khảo để tái cấu trúc chương trình khi chúng tôi mở cửa lại để nhận đơn mới sau hai năm và bốn là loại siêu chiếu khán cho các cha mẹ và ông bà có giá trị đến 10 năm và được ra vào nhiều lần. Những người được cấp loại super visa đó sẽ có thể ở lại Canada mỗi lần đến hai năm… nhưng họ phải có bảo hiểm sức khỏe tư để không ảnh hưởng đến tiền thuế của người dân Canada bao nhiêu. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ dẫn tới tỉ lệ chấp thuận cao hơn vì sẽ tối thiểu hóa ảnh hưởng đến người Canada đóng thuế. Chúng tôi tin rằng chi phí sức khỏe của người thân nhân đến Canada là trách nhiệm của gia đình chứ không phải của người dân Canada đóng thuế.

*ĐQ: Nhưng so sánh chi phí cho y tế của người được bảo lãnh với chi phí dành cho người tị nạn không chính thức thì như thế nào?
– J.K: Tôi không biết cách nào để so sánh hai khoản này. Tôi chỉ có thể nói rằng trung bình mỗi trường hợp người tị nạn không chính thức ở Canada làm chúng ta tốn chừng $50,000 từ lúc bắt đầu cho đến lúc chúng ta cớ thể trục xuất. Dó là lý do tại sao chúng ta đưa ra những cải tổ lớn cho hệ thống tầm trú để giảm thiểu những tốn phí đó. Với cách thay đổi, chúng ta có thể trục xuất người tị nạn không chính thức trong chừng ba tháng thay vì 5 năm và sẽ giảm chi phí từ 50 ngàn xuống còn 8 ngàn…
Tuy nhiên tôi vẫn có thể nói rằng những người từ 65 trở lên là những người sử dụng hệ thống chăm sóc sức khỏe cao nhất và chúng tôi cho rằng không nên dùng hệ thống ty tế Canada để chi phí cho người vào thăm Canada.

*ĐQ: Chúng tôi muốn biết thêm về loại siêu chiếu khán mới, phải chăng chỉ có cha mẹ và ông bà mới được xét cấp chiếu khán này?
-J.K: Vâng, cha mẹ và ông bà của công dân hay thường trú nhân Canada được xét cấp loại siêu chiếu khán này bắt đầu từ 1 tháng 12 năm nay. Gia đình đón ở bên Canada sẽ phải hội đủ điều kiện về tái chánh để bảo bọc cho người thân và quy định mức thu nhập tối thiểu cũng là mức thu nhập hiện nay về bảo lãnh gia đình đến thường trú. Điểm này được tính ở mức thu nhập thấp hiện có là 17 ngàn cho một gia đình 1 người lên 28 ngàn cho một gia đình 5 ngưòi. Thông tin chính xác có trong trang web của chúng tôi. Điều kiện thứ hai, người được mời phải hội đủ điều kiện về sức khỏe, nghĩa là không thể có một chứng bệnh, một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, có thể trở thành gánh nặng.

*ĐQ: Người bệnh như thế cũng sẽ bị chính các hãng bảo hiểm sức khỏe từ chối?
-J.K: Đúng thế, người ta không thể mua bảo hiểm sức khoẻ nếu đang có bệnh nặng. Và thứ ba là khi họ đến đến nhập cảnh ở phi trường họ phải xuất trình chứng minh có bảo hiểm sức khỏe trong suốt thời gian họ ở Canada. Có nhiều công ty hiện cung cấp các gói bảo hiểm này, các công ty này hiện đang bán bảo hiểm cho những người Canada đi ra nước ngoài và bảo phí tôi nghĩ là chừng vài trăm đô la. Và nếu đủ điều kiện, họ sẽ được cấp visa…
*ĐQ: … những cha mẹ, ông bà này có cần phải là những người đang có hồ sơ bảo lãnh hay không?
-J.K: Không, họ có thể làm đơn bất kể họ có hay không nộp hồ sơ bảo lãnh, visa này mở rộng cho tất cả các cha mẹ và ông bà cho dù họ có xin thường trú hay không.

*ĐQ: Có thể là nói đùa, mà cũng có thể là thật, là 2 năm ở Canada, với mọi thứ do người mời cung cấp, rất có thể là giai đoạn làm nguội cho người đươc mời, để họ bỏ qua ý định sang sống luôn ở Canada.
-J.K: Lý do để chúng tôi đưa ra loại visa này là vì có nhiều gia đình di dân đã nói với tôi rằng cha mẹ hay ông bà của họ không nhất thiết phải sang Canada ở vĩnh viễn và họ đã vững vàng ở Việt Nam hay ở nguyên quán của họ, nơi họ có bạn bè, gia đình, bà con và điều mà họ cần là sang thăm một thời gian dài, thí dụ như để giúp con lúc sinh nở hay cưới hỏi.

*ĐQ: Và để họ trông thấy bức tranh thực tế, đúng không?
-J.K: Chúng tôi hoan nghênh họ ở chơi lâu ngày và chúng tôi hy vọng rằng một số sẽ nói rằng loại chiếu khán dài hạn này đúng là cái mà họ cần và sẽ không làm đơn xin thường trú hay sẽ rút lại đơn xin bảo lãnh vì họ thấy rằng đó là không cần thiết nữa. Họ hoàn toàn có quyền chọn lựa và không có sự ép buộc. Tuy nhiên biện pháp này cho ngườ ta thêm một sự chọn lựa, nhất là những người không muốn nhập cư vĩnh viễn mà chỉ cần những chuyến thăm dài hạn.

*ĐQ: để họ không còn mơ mộng gì nữa…
– J.K: Đúng thế… cũng có thể họ không thích mùa đông Canada.

*ĐQ: Và về vấn đề thay đổi trong việc bảo lãnh người phối ngẫu. Ông có ý kiến gì về việc có người cho rằng những thay đổi này có thể làm tăng thêm những trường hợp lạm dụng, hành hạ người được bảo lãnh?
-J.K: Có. Tôi đã tham khảo các cộng đồng di dân những năm gần đây về việc làm cách nào chống các trường hợp kết hôn giả đề nhập cư và đã ghi nhận sự đồng ý của đa số rằng chúng ta phải áp dụng một hệ thống như của Úc, Tân Tây Lan, Anh và Mỹ là những nước ra điều kiện về cư trú cho người bảo lãnh và người được bảo lãnh. Hiện nay khu chúng ta chấp thuận thì người được bảo lãnh tức khắc được hưởng quy chế thường trú ngay khi họ đến Canada, dù rằng họ không đến sống với người phối ngẫu bảo lãnh và hầu như chúng ta không thể thu hồi hay áp chế họ vì chúng tôi phải ra tòa để chứng minh trước tòa rằng họ đã gian dối khi họ làm đơn, điều đó rất là khó khăn. Như thế, đầu năm tới, tôi nghĩ là tháng Hai, tôi sẽ đưa ra những quy định mới buộc có hai năm cư trú có điều kiện ở một điạ chỉ và nếu rõ ràng là trong hai năm này họ không có ý định sống như vợ chồng thì đây là kết hôn giả và chúng tôi sẽ có thể từ chối quy chế thường trú và trục xuất họ dễ dàng hơn.
Sẽ có ngoại lệ cho các trường hợp người phối ngẫu được bảo lãnh chứng minh được rằng họ là nạn nhân của bạo lực trong gia đình và các nhân viên chiếu khán của chúng tôi sẽ được huấn luyện chuyên môn để nhận ra các trường hợp đúng là có bạo lực gia đình. Chúng tôi không muốn gây thiệt hại cho phụ nữ dễ trở thành nạn nhân… Hệ thống này đã có ở các nước khác. Chúng tôi đã nghiên cứu ở Úc và Tân Tây Lan và nhiều nước khác không thấy có vấn đề lớn về mặt này. Quy định này sẽ giúp cho chúng tôi có thêm phương tiện chốâng nạn bảo lãnh di trú bằng hôn nhân giả. Một thay đổi nữa là hàng rào 5 năm và khả năng người được bảo lãnh đến Canada theo diện hôn nhân rồi sau đó lại bảo lãnh một người phối ngẫu từ nước ngoài sang Canada. Chúng tôi nghe được từ các cộng đồng rằng đây là một loại cửa xoay, người được bảo lãnh theo dạng phối ngẫu ly dị ngay tức khắc rồi bảo lãnh ngay một người khác để kiếm tiền. Đây là một vấn đề phổ biến do đó chúng tôi sẽ chặn cái cửa xoay này bằng rào cản 5 năm không cho những người đến đây theo chương trình bảo lãnh vợ chồng được bảo lãnh người khác.

*ĐQ: Như thế ông nói là hệ thống của chúng ta quá lỏng lẻo hơn các nước khác?
– J.K: Đúng thế.

Nhận thấy thời gian của cuộc trò chuyện đã khá dài, Thời Báo đã cám ơn ông Tổng trưởng Kenney, đồng thời cũng chuyển lời nhắc của Hội Người Việt về việc rất muốn được tiếp đón ông – và Thủ tướng Harper, tại Hội Chợ Tết của cộng đồng năm nay. Ông Tổng trưởng đã trả lời sẽ cố gắng, nhưng không dám hứa vì Thủ tướng rất bận rộn.

Theo Thoibao

Cánh cửa khép lại hay mở rộng?