Làm việc không ngừng và sống thanh thản
Tôi gặp Đặng Thái Sơn sau lúc Sơn trình diễn ở Brasil về. Sơn ở một mình. Mẹ Sơn cũng ở một căn nhà khác. Đời sống nhìn chung có vẻ lặng lẽ và không có gì vui lắm. Qua một người bạn của Sơn tôi được biết Sơn sống gần như cô lập mình với thế giới bên ngoài. Tôi hỏi Sơn có định về lại Việt Nam không . Sơn chỉ cười cười.
Đời sống của người Việt Nam ở Canada nói chung là ổn định nhưng dưới con mắt nhìn của tôi thì nguồn vui sống của họ hoàn toàn xa lạ với bản thân tôi. Thành phần giàu có nhất có lẽ thuộc về giới bác sĩ. Có một điều hơi khác giữa bác sĩ ở Canada và Mỹ là bác sĩ ở Mỹ thì tha hồ kiếm tiền còn ở Canada thì bị nhà nước qui định đến một giới hạn nào đó thì không có quyền được hưởng thêm. Họ gọi là plafonner.
Tôi thực sự ngạc nhiên và thất vọng khi biết có một số đông người Việt sau mười mấy năm vẫn không chịu đi làm và vẫn cứ tiếp tục thản nhiên lãnh tiền trợ cấp xã hội ! Những người này cũng có nhà có xe hơi như tất cả mọi người nhưng đời sống đối với xã hội nói chung là thấp. Họ đâm ra lười biếng vì những vấn đề quan trọng nhất trong đời sống như ăn uống, đau ốm thì đã có nhà nước lo cả rồi. Chế độ nuôi sữa cho trẻ con thì được cấp dưỡng cho đến mười tám tuổi mới ngừng. Tôi có gia đình người em có ba con dưới mười bốn tuổi. Hai vợ chồng xin đi học thêm Pháp văn. Học không tốn tiền mà nhà nước phải phụ cấp thêm mỗi tuần hai trăm bảy mươi lăm đô la để thuê người giữ nhà và trẻ con.
Người bạn thân nhất của tôi ở đường Grosvenor, biên giới giữa Montréal và Wesmount, khu vực của người Anh. Căn nhà có hai chủ. Phía dưới là người bạn giáo sư thực thụ ở đại học Montréal, bạn thân của giáo sư Đặng Đình Áng ở Việt Nam ta ; từng trên là một người Canada làm nghề đào huyệt. Khu nhà này khá đắt tiền. Daniel, tên của người đào huyệt, đang trong thời kỳ thất nghiệp vì đình công đòi nâng lương.
Trẻ con ở xứ sở này được giáo dục cái đức tính không bao giờ ỷ lại . Mùa hè đến, dù ở trong gia đình sung túc, con cái ở tuổi mười sáu trở lên đều đi xin việc làm để lấy tiền đi du lịch hoặc để sử dụng trong những nhu cầu riêng. Đa số sinh viên, học sinh nữ đều có đi làm thêm trong những quán hàng đủ loại. Phụ nữ trẻ, già đều làm đủ thứ việc trong đời. Nhìn những cô sinh viên vừa cạo những lớp sơn cũ trên những cánh cửa ở đường phố vừa sơn quét mới lại mà thấy quá sức thương và kính trọng nữa… Ai cũng làm việc và làm việc cật lực không hề ngừng nghỉ.
Những người bếp và bồi người Việt trong những quán hàng ăn uống Việt Nam cũng có một đời sống tương đối tốt. Hết giờ, khách ra về hết, họ cũng lên những chiếc xe hơi bóng loáng về nhà hoặc đến những tiệm ăn quen thuộc. Ở đây không có vấn đề chủ và bồi bếp. Họ sống nhờ vả lẫn nhau để cùng tồn tại. Không ai có quyền nặng lời với ai. Cảm giác như không có một thứ ranh giới nào giữa người với người. Không có bất cứ một thứ uy quyền hão huyền nào buộc con người phải phụ thuộc hoặc sợ hãi. Mỗi người cứ làm tròn bổn phận của mình trong cuộc sống và yên tâm ăn ngon ngủ kỹ.
Đời sống ở đây theo tôi tốt lành hơn ở Pháp và Mỹ(*). Không ai tự thấy mình quan trọng hơn người khác. Tôi quen khá nhiều những văn nghệ sĩ Québécois. Họ khiêm nhường và quá hồn nhiên. Tôi cố gắng học ở họ cái tính khiêm nhường gần gũi với thiền đó. Chính cuộc sống tử tế và chân thật đó đã giúp tôi có thêm nguồn cảm hứng để vẽ nhiều tranh, nhiều chân dung và làm nhiều bài thơ ca tụng cuộc sống và con người.
- Ở đây phố xá hiền như cỏ
Có nỗi hồn nhiên giữa mặt người
Đi qua một thành phố mà mọi người không biết gây gỗ, nóng giận với nhau nhiều khi cũng muốn làm người đàng hoàng, tử tế hơn. Có lẽ chẳng nên quên điều đơn giản vô cùng của cuộc sống là chúng ta được sinh ra trong cuộc đời này là để yêu thương nhau chứ không phải để thù ghét nhau.
Sống và cứ mãi mãi có một tấm lòng nhân hậu sẵn sàng biết tha thứ và độ lượng thì cuộc đời không thể nào không đẹp hơn lên được.
Trịnh Công Sơn, (1992)
Nguồn : báo Phụ Nữ số 65,(29.08.1992), tr. 6.