Cô Jessica Yamane, phụ tá pháp lý của tổ chức Asian Pacific American Legal Center (APALC), nói với Người Việt rằng APALC “đang phát động một chiến dịch vận động trong các cộng đồng người Mỹ gốc Á toàn quốc,” yêu cầu “Gang of 8” xét lại đề nghị của họ. Bà Laura E. Enriquez, hiện đang trình luận án tiến sĩ xã hội học tại UCLA, phát biểu trong một buổi hội thảo về cải tổ di trú tại Los Angeles cuối tuần qua, mạnh mẽ lên tiếng phản đối đề nghị của nhóm tám nghị sĩ, lập luận rằng bản chất cốt lõi của luật di trú Mỹ là ý niệm đoàn tụ gia đình. Vì thế nhiều cuộc tranh cãi quanh việc cần cải tổ bộ luật này xoay quanh việc làm thế nào để tránh việc làm tan nát gia đình, hay gây khó khăn cho những thân nhân muốn được đoàn tụ. “Đề nghị loại bỏ việc bảo lãnh anh chị em và con cái trên 21 tuổi là đi ngược lại bản chất của chính sách trên.” Bà Enriquez nói.
Trả lời báo Người Việt qua email, luật sư Jacob Sapochnick, chuyên về luật di trú, cho biết dù có được thông qua, ông không nghĩ là luật sẽ có hiệu lực với các hồ sơ đã nộp. “Vì vậy, những ai còn đang do dự thì làm đơn bảo lãnh ngay cho anh em, vì nếu được thông qua, luật cũng phải chờ một thời gian mới có hiệu lực, và đây là lúc phải quyết định gấp.” Ông khuyên. Về lập luận của Nghị Sĩ Graham, là phải đánh đổi việc phát triển kinh tế qua chính sách di dân với số visas trước đây dành cho người di dân vào Mỹ theo diện bảo lãnh gia đình, luật sư Sapochnick không đồng ý: “Giải thích như vậy là không hợp lý. Không cần phải đổi diện này lấy diện kia. Trong nhiều năm giúp thân chủ làm đơn bảo lãnh anh em, tôi biết đa số người chờ đi chuẩn bị rất kỹ cho nghề nghiệp của mình để qua đây có việc làm ngay. Họ là những người sẽ trực tiếp đóng góp cho kinh tế Hoa Kỳ, bất kể có do anh em bảo lãnh hay không.”
Trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng Thống Obama, hôm thứ Tư bày tỏ niềm tự tin là bộ luật di trú Mỹ sẽ được cải tổ xong vào cuối mùa hè năm nay, mặc dù bộ luật đang được soạn thảo có một số điều đi ngược với quan điểm của ông.
Trong bài nói chuyện tại trường Del Sol High School, Las Vegas, Nevada, cuối tháng Giêng, Tổng Thống Obama tạo cho nhiều người niềm hy vọng là thời gian đợi dài đằng đẵng để được đoàn tụ với người thân có thể được rút ngắn, khi ông nói, “là công dân Mỹ, không việc gì quý vị phải chờ đợi nhiều năm dài trước khi được đoàn tụ với gia đình và người thân tại Mỹ.” Một trong những điều được Tổng Thống Obama đề cập đến lúc đó là nâng giới hạn tối đa số người được vào Mỹ theo diện gia đình bảo lãnh. Cụ thể, Tổng Thống Obama dự tính sẽ nâng tối đa số di dân đến Mỹ theo diện gia đình từ 7% đến 15% tổng số người được vào Mỹ từ mỗi quốc gia.
(Theo Nguoi Viet)