Đặt hẹn Luật sư
Định cư Mỹ
Định cư Canada
Định cư Châu Âu & Caribê

Canada Đất Nước Đáng Ngưỡng Mộ Nhất Thế Giới Với Những Người Dân Khiêm Nhường

Nhận tin tức mới
18/03/2016

Trang CTV News của Canada đưa tin nước này trở thành quốc gia đáng ngưỡng mộ nhất trên thế giới năm 2015 theo báo cáo của Reputation Institute. Đất nước này có gì đặc biệt đến vậy?

Canada là một trong số các quốc gia giàu mạnh với dân số chỉ vào khoảng 35 triệu người, thu nhập bình quân đầu người là 51.989 đô la Mỹ theo số liệu năm 2013. Canada được cả thế giới biết đến nhờ độ minh bạch của Chính phủ, tự do kinh tế, chất lượng đời sống của người dân và tự do tín ngưỡng. Trong 15 năm qua, Canada luôn nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số phát triển con người cao nhất theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc. Canada là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và G8, là một trong mười quốc gia có quy mô thương mại lớn trên thế giới.

Kể từ đầu thế kỷ 20, kinh tế Canada đã có sự thay đổi lớn, chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và đô thị hóa trong đó công nghiệp năng lượng, công nghiệp gỗ, công nghiệp ô tô và công nghiệp hàng không phát triển mạnh. Cụ thể là về ngành năng lượng, Canada có các mỏ khí đốt ngoài khơi rộng lớn ở vùng giáp với Đại Tây Dương, có nguồn tài nguyên dầu khí Alberta và mỏ cát dầu Athabasca, về quy mô chiếm 13% trữ lượng dầu toàn cầu, đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Arab Saudi và Venezuela. Ngoài ra Canada còn có tài nguyên khoáng sản tự nhiên, tạo ra nguồn lợi lớn từ việc xuất khẩu khoáng sản bao gồm thiếc, urani, vàng, niken, nhôm, thép, quặng sắt, than cốc, và chì. Canada có các công ty hàng đầu thế giới trong việc sản xuất nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên như: vàng, nickel, uran, kim cương và chì. Một số các công ty lớn nổi tiếng của Canada về việc sản xuất các sản phẩm dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên để cung cấp cho các ngành công nghiệp là EnCana, Cameco, Goldcorp, và Barrick Gold. Trong danh sách 2.000 công ty lớn nhất thế giới năm 2008 của báo Forbes Global, Canada có 69 công ty, xếp hạng 5 ngang với Pháp.

Bên cạnh đó, Canada cũng là một trong các quốc gia lớn nhất cung cấp nông sản. Mặc dù có đất đai rộng lớn nhưng đất canh tác nông nghiệp của Canada chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ do thời tiết thất thường. Tuy vậy, nông nghiệp Canada đạt được nhiều thành tựu lớn. Canada là một trong những nhà cung cấp lớn nhất thế giới về các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là lúa mì và các hạt ngũ cốc. Canada là nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp đến Hoa Kỳ và còn cho cả châu Âu và Đông Á. Giống như tất cả các quốc gia phát triển khác: tỷ lệ dân số làm việc trong khu vực nông nghiệp và mức đóng góp vào GDP của ngành này đã giảm xuống đáng kể trong thế kỷ 20.

So với nước Mỹ thì Canada có chi phí lao động rẻ hơn, có trình độ dân trí cao hơn, vì vậy Canada được chọn là địa điểm đặt chi nhánh của các hãng chế tạo ô tô lớn của Mỹ và Nhật. Ngoài ra Canada cũng có các công ty sản xuất các sản phẩm và linh kiện ô tô lớn như công ty Magna International và Linamar Corporation. Sản lượng xe ô tô được sản xuất tại miền Trung Canada còn nhiều hơn cả tiểu bang lân cận của Hoa Kỳ là Michigan vốn là trung tâm của ngành công nghiệp chế tạo ô tô Hoa Kỳ.
Về xuất nhập khẩu, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 4.462,5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2012 với các mặt hàng xuất khẩu như ô tô, xe máy và các phụ tùng, máy móc công nghiệp, máy bay, thiết bị viễn thông, điện tử, công nghiệp hóa chất, nhựa, phân bón, bột giấy, gỗ, dầu thô, khí đốt thiên nhiên, điện nhôm. Cũng trong năm 2012, giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 474,5 tỷ đô la Mỹ với các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị cho công nghiệp hóa chất và công nghiệp điện, hàng tiêu dùng, hàng điện tử, ô tô và các loại phụ tùng.

Trong những năm gần đây, ngành dịch vụ của Canada đã phát triển mạnh, sử dụng ba phần tư lao động của Canada và đóng góp tới hơn hai phần ba GDP, trong đó ngành bán lẻ thu hút nhiều lao động nhất, chiếm gần 12% dân số Canada. Cũng trong ngành dịch vụ thì mảng dịch vụ kinh doanh cũng là nơi sử dụng nhiều lao động, bao gồm các dịch vụ tài chính, bất động sản và truyền thông. Hệ thống ngân hàng của Canada đã được đánh giá là lành mạnh nhất thế giới. Điều đó không có nghĩa là quy định về hoạt động ngân hàng quá chặt chẽ mà là các ngân hàng được phép thực hiện hoạt động khi họ xem xét một cách thận trọng nhất. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, Canada không có ngân hàng nào bị phá sản.

Ngành dịch vụ thứ 3 quan trọng đó là giáo dục và y tế và cuối cùng là ngành du lịch với tầm quan trọng ngày càng tăng. Đối với ngành giáo dục, Canada rất chú trọng đến chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục trong nước với mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế nước này.

Với nguồn lực như vậy, Canada đã có những bước dài trong việc phát triển kinh tế, tuy nhiên không phải là không có những bước hụt chân. Vấn đề là Chính phủ Canada đã đưa ra những chính sách kèm theo các phương thức áp dụng thực tiễn để vượt qua được những thời điểm khó khăn. Cụ thể là vào những năm 1990, bội chi và nợ nước ngoài đã ở mức cao, cụ thể là nợ liên bang chiếm gần 70% GDP, ở mức rất khó kiểm soát, tình hình căng thẳng đến mức đã có một bài báo trên Wall Street Journal tuyên bố đất nước này là “thành viên danh dự của thế giới thứ ba” do tình trạng nợ và chi tiêu ngoài tầm kiểm soát.

Vào thời điểm đó, bóng dáng của một cuộc khủng hoảng đã lờ mờ hiện ra, các tổ chức đánh giá tín nhiệm đã bắt đầu đánh giá lại Canada. Điều này gây sức ép cho Chính phủ Canada trong việc phải thực hiện cải cách nào đó, và Chính phủ đã quyết định giảm chi tiêu mỗi năm, cụ thể là vào năm 1995, chi tiêu liên bang đã giảm 9,7% (vượt mục tiêu cắt giảm 8,8%), số lượng công chức liên bang giảm 14%, quan trọng hơn là Chính phủ thực hiện cắt giảm số bộ riêng lẻ tới 40% trong vòng 2 năm, đây thực sự là giảm quy mô của các cơ quan của Chính phủ chứ không phải đơn thuần là giảm mức tăng chi tiêu dự kiến.

Một điểm quan trong nhất đó là tất cả các chương trình tại các bang đều bị yêu cầu phải chịu “Đánh giá Chương trình”, điều này cho phép kiểm tra hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền ở mỗi bang nghĩa là cơ quan công quyền của mỗi bang cũng như Chính phủ liên bang phải làm được cái việc mà mỗi chương trình đã cố gắng để làm, rồi sau đó tính đến hiệu quả của các công việc đó. Các Bộ trưởng được yêu cầu đánh giá các đơn vị cấp dưới trên các tiêu chí: (i) phục vụ lợi ích công cộng; (ii) sự cần thiết sự tham gia của Chính phủ; (iii) vai trò thích hợp của liên bang; (iv) phạm vi khu vực công/quan hệ đối tác khu vực tư nhân; (v) phạm vi hiệu quả được tăng lên, và (vi) khả năng chi trả.

Việc thu hẹp quy mô của bộ máy công quyền của Chính phủ đã mang lại sự phát triển cho nền kinh tế Canada, nhờ đó cắt giảm thuế, dùng số tiền đó để thực hiện đầu tư và bù đắp chi tiêu. Song song với việc này, Chính phủ Canada cũng đã thực hiện cải cách chế độ hưu trí, đồng thời ủy quyền kiểm soát một số chương trình cho các cấp thấp hơn. Một điểm khác biệt so với Chính phủ các nước khác là Chính phủ Canada xác định người nhập cư đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế lâu dài của quốc gia, đẩy mạnh cải tiến chính sách nhập cư, trong đó tạo điều kiện nhập cư cho người có kỹ năng nghề nghiệp, góp phần thực hiện ưu tiên hàng đầu là tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm của Chính phủ nước này. Cụ thể hơn là chính sách nhập cư tập trung vào đối tượng nhập cư kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề trong một số lĩnh vực của nền kinh tế.

Bộ công dân và nhập cư Canada (CIC) đã đưa ra mô hình EOI (Expression of Interest, tạm dịch là Tập trung thu hút), nhằm giúp hệ thống nhập cư của Canada đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động nội địa. Mô hình này sẽ cung cấp cho chính quyền địa phương và nhà tuyển dụng lao động cơ hội tiếp cận với lực lượng lao động nước ngoài có kỹ năng nghề nghiệp trong các công việc đang thiếu người làm. Mô hình này có ba nội dung chính bao gồm: (i) điều chỉnh mức độ nhập cư cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế; (ii) xây dựng hệ thống nhập cư kinh tế linh hoạt tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của các địa phương; (iii) cải thiện sự ổn định kinh tế cũng như hội nhập cộng đồng và đóng góp cho xã hội của người mới nhập cư.

Nhờ những chính sách nhằm vào mục tiêu hiệu quả, Canada đã vượt qua được thời điểm khó khăn về tình trạng nợ công và chi tiêu vượt mức kiểm soát, với chi phí phúc lợi chiếm tỷ lệ phần trăm GDP thấp nhất trong thế giới phát triển, một hệ thống ngân hàng ổn định, và chi tiêu của Chính phủ cũng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ của GDP giảm mạnh so với chi tiêu quy mô của Chính phủ vào những năm 1920.
Con người Canada

Bên cạnh những điểm mạnh về chính sách kinh tế, một điểm mạnh khác nữa mà hầu như ai cũng cảm nhận được khi đến Canada. Đó là tính lịch sự của người Canada, sự tôn trọng quyền con người, sự quan tâm đến mọi người xung quanh, có thể nhận thấy ngay từ khi bạn đến làm thủ tục hải quan để nhập cảnh vào Canada. Có người đã nhận xét rằng sự tử tế của người Canada giống như là dầu hỏa đối với Ả Rập Saudi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng từ mà người Canada dùng thường xuyên nhất, đó là ‘sorry’. Họ xin lỗi vì bất cứ lý do gì, có lẽ vì họ không muốn làm tổn thương người khác. Một nhà báo người Canada có tên là Michael Valpy đã từng thừa nhận “Tôi xin lỗi cái cây mà tôi đâm vào,” ông cũng nói rằng những người hàng xóm của ông cũng xin lỗi vì điều tương tự như vậy. Khi tham gia giao thông trên các đường phố ở Toronto và Montreal, có những lúc cũng xảy ra tình trạng rất tệ nhưng “hầu như bạn sẽ không bao giờ nghe một tiếng còi xe thậm chí trong những tình huống bị kẹt xe mệt mỏi nhất”, ông Jeffrey Dvorkin, một giáo sư dạy báo chí Canada tại Đại học Toronto cho biết. Hành vi bấm còi xe ở Canada được xem là hung hăng một cách không cần thiết.

Ngoài ra, trên các phương tiện truyền thông của Canada cũng thường xuyên đăng những câu chuyện thể hiện sự tốt bụng của người dân với nhau. Ví dụ như tờ báo National Post đã đăng bài về một sinh viên luật ở Edmonton có tên là Derek Murray đã bật đèn pha xe hơi suốt ngày. Khi Derek trở lại, anh nhận một lời nhắn để lại trên kính chắn gió: “Tôi thấy anh để đèn xe suốt. Có lẽ xe không đủ pin để khởi động máy. Tôi để lại ở đây một cái sạc pin bên trong hộp cạc tông bên cạnh hàng rào.” Hay như ở Ontario, một tên trộm đã gửi trả lại món đồ với một bức thư kèm theo 50 đô la: “Tôi không thể nói thành lời tôi hối lỗi đến mức nào. Hãy mở rộng tấm lòng tha thứ cho kẻ lạ mặt đã gây hại cho quý vị.”

Cách thức các phương tiện truyền thông đăng tin thường nhấn mạnh vào sự tốt bụng, sự quan tâm đến người khác và cả sự khiêm nhường của những nhân vật trong các câu chuyện đó. Ví dụ như chuyện về một tay súng tấn công tòa nhà Quốc hội Canada vào tháng 10/2014, ông Kevin Vickers, người giữ trật tự ở Quốc hội, đã phản ứng mau lẹ và bình tĩnh bằng cách bắn kẻ tấn công bằng khẩu súng của ông đang để tại phòng làm việc. Và khi Vickers được báo chí Canada tuyên dương, họ đã ca ngợi sự khiêm nhường chứ không phải sự dũng cảm hay tài bắn súng của ông.
Người Canada tin rằng sự khiêm nhường và lịch thiệp là nhu cầu của người Canada, họ sẵn sàng giúp đỡ nhau thay vì hung hăng đối với nhau. Có lẽ sự thịnh vượng của Canada phần nào được mang lại nhờ những con người có phẩm chất như vậy.

(Cre: Nhật Hạ tổng hợp – ĐKN )