Không năm nào gia đình tôi không làm chuyến xe đi từ Mỹ sang Canada chơi. Chúng tôi đi không phải vì mong chờ xem phong cảnh diệu kỳ mà vì con người ở đó, họ hiền lành và mến khách đến mức khó tin.
Chỉ tới cửa khẩu là đã thấy hay rồi, phía bên này người Mỹ làm thủ tục với vẻ lạnh lùng ‘đừng lơ mơ ở đây là công việc thôi nhé’ còn bên Canada thì đã thấy khác, nghe câu chào qua giọng nói đã thấy sự hồn hậu và lịch thiệp kiểu ‘tôi chỉ xin phiền quý vị chút xíu thôi ạ’. Có năm nhà tôi quên bẵng cái hộ chiếu của tiểu thư lên 9 nhà mình đã hết hạn từ đời nào thế nhưng cảnh sát Canada vẫn vui vẻ cho con bé nhập cảnh: ‘No problem!”
Trong suốt chuyến đi, chúng tôi gặp người chạy bàn hiền hậu, người tiếp tân khách sạn vui tươi và cả người lạ trên đường phố cũng tử tế vô cùng.
Cái tử tế mang tên Canada thật chân tình và không phải là sự xã giao cho đúng bài bản như ở Mỹ. Giá cái tử tế có thể xuất khẩu được thì tôi sẽ đề nghị mấy nước nổi tiếng khinh khỉnh, số một là Pháp, kế là Nga và thứ ba là Anh quốc nên nhập khẩu từ Canada về một ít mà dùng nhé!
Người Canada rất có ý tránh không làm phật lòng người khác nên họ hay nói mấy chữ “có thể thế lắm – could be” hay là “cũng được đấy – not bad”. Nhưng có một chữ mà bạn sẽ nghe họ nói luôn mồm ‘’Xin lỗi – Sorry” đến nỗi người ta bảo người Canada cứ là xin lỗi bất cứ ai về bất cứ điều gì, như một nhà thơ Canada Michael Valpy từng viết:
‘Xin lỗi nhé cây ơi
Tha lỗi cho tôi đã đã dẫm lên cây
Tha lỗi cho tôi đã làm phiền cây
Những khi tôi dạo bước trong rừng.’
Giao thông trên đường ở thành phố Toronto và Montreal cũng có khi nhúc nhích chút một, nhưng ngay cả trong cảnh tắc đường làm cho người ta khó chịu căng thẳng vô cùng đi nữa thì “không một ai nhấn còi xe, bạn không bao giờ nghe thấy tiếng còi xe ở Canada”.
Ông Jeffrey Dvorkin, giáo sư dạy môn báo chí tại Đại học Toronto nói “Còi xe đối với người Canada là hành động hung hăng không cần thiết.” Ông còn bảo Canada có tỷ lệ tội phạm rất thấp so với các nước “một phần cũng vì thái độ người ta cho rằng việc làm hại người khác là điều rất hỗn hào”!
Báo chí Canada không thiếu những câu chuyện về hành động tử tế ở đây. Chẳng hạn cậu sinh viên đậu xe xong quên tắt đèn xe, vào trường cả ngày, khi quay lại thấy cái giấy ai đó gài trên kính xe dặn cậu từng chi tiết vào vườn nhà trước mặt, có thùng giấy đựng dây và sạc ắc quy cho cậu nổ máy xe. “Tôi biết thế nào cậu cũng cần mấy thứ này, xong lại để vào chỗ ấy cho tôi nhé. Chúc may mắn!”
Taras Grescoe, là nhà văn sống ở Montreal cho rằng người Canada có tấm lòng nhân hậu như một bản năng sinh tồn “Chúng tôi chỉ là một nhóm người nhỏ sống tản mác trên vùng lãnh thổ lớn đứng thứ hai trên thế giới phải đương đầu với khí hậu khắc nghiệt nên chúng tôi có ý thức chăm sóc cho nhau, chu toàn với nhau để sống còn. Chúng tôi không thể hiếu chiến với nhau.”
Nhưng không phải ai cũng cho đó là điều tốt. Nhà thơ Valpy cho rằng sự tử tế của người Canada “mang lại cho con người ta cảm giác vụng về như khi ra đường thấy cái áo đang mặc nó chẳng vừa người tý nào, hoặc cứ lúng túng như cái đầu vừa bị ông thợ cắt tóc cắt hỏng nên chẳng làm được điều gì lớn lao.”
Kim Chi dịch bài của nhà báo Mỹ Eric Weiner, mời các bạn tham khảo, nguyên văn ở đây
http://www.bbc.com/travel/story/20150311-can-canada-teach-the-rest-of-us…
Theo facebook chị Kim Chi