Đặt hẹn Luật sư
Định cư Mỹ
Định cư Canada
Định cư Châu Âu & Caribê

Saint John – Thành Phố Hải Cảng Của New Brunswick

Nhận tin tức mới
13/01/2012

Cùng Kornova tìm hiểu về Saint John – thành phố hải cảng của tỉnh New Brunswick.

Tàu cặp bến Saint John của Canada lúc 9:30 một buổi sáng tháng 10. Hôm nay trời nắng đẹp nhưng gió mạnh và khá lạnh. Từ tầng 10 tàu Carnival tôi thấy tàu cặp bến ngay khu downtown của Saint John nên du khách có thể đi bộ thăm viếng dễ dàng. Từ trên tàu nhìn xuống thì thấy đây là một thành phố không lớn. Bên tay mặt là khu thương mại nhưng nổi bật lại là ba tháp nhà thờ màu xanh. Trước mũi tàu, trên đồi cao có hàng chữ Saint John to lớn giống như ở Hollywood. Xéo bên tay trái, là một chiếc cầu lớn bắc ngang sông. Xa hơn là thác nước chảy ngược (Reversing Fall) một thắng cảnh nổi tiếng của Saint John. Phía mạn trái của tàu là một khu cảng container với mấy chiếc cần cẩu to lớn. Trước khi thăm viếng Saint John ta hãy tìm hiểu sơ qua về tỉnh bang New Brunswick và thành phố này.

Tỉnh bang New Brunswick và hải cảng Saint John

Từ Toronto, nếu bạn theo hướng Ðông Bắc thẳng tiến thì sẽ gặp thủ đô Ottawa, sau đó là Montreal, Quebec. Qua khỏi Quebec bạn sẽ tới tỉnh bang New Brunswick. Như vậy, tỉnh bang này giáp với Quebec ở phía Bắc, vịnh St. Lawrence ở phía Ðông, vịnh Fundy ở phía Nam và tiểu bang Maine của nước Mỹ ở phía Tây. Tỉnh bang này rộng 73,437 cây số vuông với số dân khoảng 724,000. Trên 85% diện tích của tỉnh bang này là rừng. Bờ biển phía Nam có nhiều vách đá, nơi đây thủy triều cao nhứt thế giới. Bờ biển phía Ðông là những bãi cát ấm áp vào mùa Hè. Thủ phủ của tỉnh bang là Fredericton nhưng thành phố lớn nhứt lại là Saint John (chữ Saint viết nguyên chữ để tránh lầm lẫn với thành phố St. John – thuộc tỉnh bang New Foundland).

Chủ nhân thật sự của tỉnh bang New Brunswick là những người da đỏ thuộc tộc Micmacs, Maliseet, và Passamaquoddy nhưng ngày nay họ không còn nhiều ở đây. Năm 1604, nhà thám hiểm người Pháp tên là Samuel de Champlain đã tới đây. Sau đó, vào năm 1631, Charles de La Tour bắt đầu lập trạm đổi da thú ở Saint John. Người Pháp và Anh tranh giành vùng đất này qua nhiều cuộc chiến tranh, cuối cùng người Anh nắm quyền cai trị vùng này. Tuy nhiên Saint John và vùng New Brunswick chỉ thật sự phát triển từ sau chiến tranh cách mạng Mỹ. Vào năm 1783, khoảng 4,000 người Anh thuộc loại Loyalist (trung thành với “mẫu quốc”) bị thua trong các trận chiến giành độc lập của Mỹ đã đổ về đây với hy vọng có cuộc sống mới. Sau đó dòng người tỵ nạn tiếp tục tăng lên. Năm 1785, thị trấn Saint John được thành lập. Ðây là thành phố xưa nhứt của nước Canada sau này. Vào thế kỷ thứ 19, Saint John là thành phố phát triển mạnh về kỹ nghệ nhứt là về ngành đóng tàu. Ngày nay, Saint John và vùng phụ cận có hơn 122,000 người sinh sống. Họ là người có gốc: Anh, Ái nhĩ Lan, Tô Cách Lan, Pháp, Ðức, Hòa Lan… Saint John thường tự hào là thành phố có nhiều người Ái Nhĩ Lan nhứt Canada.

Chơi gì ở Saint John?

Ðến Saint John, bạn có thể thăm viếng thành phố, xem thác chảy ngược hay mua tua của tàu để đi xa hơn đến thăm làng chài St. Martin. Ở đó có một khu hang động có cảnh đẹp trên bãi biển. Nếu tới thăm lúc nước ròng, bạn có thể xuống bãi biển chụp hình các hang động ở đây. Còn khi nước lớn thì chỉ có thể nhìn từ trên cao. Vịnh Fundy Bay là một nơi có thủy triều cao nhứt thế giới và những con đường có phong cảnh rất đẹp. Riêng những bạn không muốn đi xa mà chỉ thăm viếng thành phố thì không cần mua vé tua xe buýt loại hop-on hop-off mà chỉ cần đi xe buýt của địa phương là cũng tới.

Chuyến thăm Saint John của chúng tôi

Chúng tôi rời khỏi tàu lúc hơn 10 giờ sáng. Ở bến tàu có bán tua đi thăm thành phố với giá 40 đô la một người. Ra khỏi bến tàu thì có những ông tài xế taxi bán vé tua với giá 50 đô la một giờ. Thăm một vòng thành phố tốn chừng 200 đô la nhưng có thể đi 4 người, mỗi người cũng hết 50 đô la. Ði xa xa một chút về phía Tây, tôi thấy người ta bán vé xe buýt đi thăm thành phố trong 2 giờ với giá 20 đô la một người. Lúc này khách trên tàu mới xuống nên chưa thấy có ai mua vé hết.

Chúng tôi sẽ đi Reversing Fall để xem thác nước chảy ngược là một thắng cảnh nổi tiếng của Saint John. Nhờ có đọc sách trước nên tôi biết mình có thể đón xe buýt của địa phương tại trạm Market Square. Chờ chừng 10 phút thì có xe buýt số 1 chạy tới. Bà xã cẩn thận hỏi xe có đến “The Fall” hay không thì ông tài xế gật đầu. Tiền vé xe buýt là 2.5 đô la một người. Trả bằng tiền đô la Mỹ họ cũng nhận luôn (vì đô la Mỹ có giá hơn đô la Canada). Xe vắng khách nên chúng tôi có dịp nói chuyện với bác tài. Ông ta rất tử tế nói rằng khi về mình có thể đón xe số 2 cũng được. Xe chỉ chạy chừng 10 phút là đã tới trạm Reversing Fall. Chúng tôi xuống xe mà không dám qua đường vì đây là đường lớn, xe chạy rất nhiều mà lại không có đèn hay kẻ vạch cho người đi bộ băng qua. Ðang ngần ngừ thì thấy xe cộ ngừng lại hết để mình qua đường dễ dàng. Người dân Canada lái xe có vẻ từ tốn chớ không hấp tấp, bận rộn như dân Cali!.

Reversing Fall là một thác nước ở ngay trung tâm Saint John. Thác ở gần biển mà lại không cao lắm nên có một hiện tượng rất lạ. Ðó là khi thủy triều lên thì nước sẽ chảy ngược từ ngoài biển dâng cao hơn đỉnh thác rồi chảy ngược vô thượng nguồn của dòng sông. Trên đỉnh thác có một chiếc cầu vòm thép khá đẹp bắc ngang. Bên dưới hạ nguồn phía hữu ngạn có những điểm ngắm cảnh thác từ trên cao. Từ đó có thể chụp hình rất đẹp. Lúc chúng tôi đến là lúc nước lớn nên thủy triều đang dâng cao ngập cả thác nên không thấy thác nước ở đâu mà chỉ thấy nước cuồn cuộn chảy mạnh dưới chân cầu từ biển vào phía trong. Ở phía tay phải lại có một đường bậc thang để khách có thể theo đó lần xuống bờ sông gần thác để xem cảnh. Lúc này du khách từ xe hop-on hop-off tới cũng nhiều. Chúng tôi lại gặp ông Lou từ xe đó xuống. Ông này ngạc nhiên khi thấy chúng tôi vì chúng tôi không đi chung xe với ổng (ổng tốn 40 đô la một người), còn tụi tôi tiết kiệm hơn nên chỉ tốn có 5 đô la (khứ hồi). Xem thác từ phía dưới xong, chúng tôi lại leo lên một công viên nằm trên đồi cao ở phía Tây thác. Từ đây nhìn về Saint John cảnh đẹp lắm. Mình sẽ thấy sông sâu nước chảy mạnh với chiếc cầu vòm xinh đẹp. Xa hơn về phía Saint John là hải cảng nơi chiếc tàu Carnival to lớn đang cặp bến. Bên tay trái, kế bên cầu là một nhà máy làm bột giấy, mấy ống khói nhà máy đang tỏa khỏi mù mịt làm cảnh trí cũng bớt phần nào nét duyên dáng.

Thời tiết Saint John rất lạ, sáng nay trời nắng đẹp, mà lúc này mây từ đâu bay tới rất nhanh làm cả bầu trời tối sầm. Chúng tôi chụp vội mấy tầm hình rồi chạy ra trạm xe buýt để đón xe trở lại khu downtown. Kỳ này chúng tôi đi xe số 2. Xe chạy theo một đường khác, nhờ đó chúng tôi có dịp thấy cuộc sống của dân chúng trong thành phố. Nhà cửa ở đây không đẹp, không xấu cho thấy cuộc sống ở đây bình dị, yên lành nhưng cũng không giàu có, sung túc cho lắm.

Khu downtown Saint John

Xe buýt ngừng ở gần Market Square. Chúng tôi xuống xe để thăm viếng một vòng thành phố. Lúc này trời lại bớt âm u và sáng trở lại. Ðầu tiên, bên tay phải là Barbour”s General Store. Ðây là một căn nhà tuy nhỏ nhưng bên ngoài sơn rất mới. Nhìn chữ Store thì tưởng là một căn tiệm. Thật ra, đây là một căn tiệm lịch sử. Ngày nay là một nhà bảo tàng trưng bày các dụng cụ của thời di dân mới tới nơi đây. Trước tiệm, thành phố còn đặt các bức tượng của những người dân bình thường đang ngồi chơi hay đón xe, đọc báo…

Ðường dốc dần khi chúng tôi đi về phía Ðông Bắc. Ðây là con đường lớn của thành phố nên có nhiều xe cộ qua lại. Lề đường khá rộng với những bồn hoa màu vàng, đỏ. Hai bên đường là những văn phòng, ngân hàng, khách sạn hay cửa tiệm sang trọng. Người đi đường cũng ăn mặc rất lịch sự. Ði chừng 500 mét là tới một công viên. Ðó là King Square (Công Viên Ðức Vua). Trong công viên có nhiều cây to bóng mát. Ở đó có nhiều tượng danh nhân và những bồn hoa nhiều màu sắc. Tuy nhiên công viên này so với Vườn Hoa ở Halifax thì thua xa.

Qua bên kia đường, đi ngược xuống bến tàu rồi rẽ phải, chúng tôi vào xem Old Market Place (Chợ Cũ). Chợ này nhỏ, bên trong có từng gian hàng nhỏ. Mỗi gian hàng có chủ khác nhau giống như ở Chợ Bến Thành. Tuy nhiên các gian hàng cách xa nhau tạo cho không gian rộng rãi nhìn thoáng hơn Chợ Bến Thành rất nhiều. Họ bán trái cây, thịt cá, rau cải, đồ kỷ niệm, hàng sành sứ, quần áo… Cách trình bày của các gian hàng ở đây thật bắt mắt và xinh đẹp. Nhìn vô hàng hóa là đã muốn mua liền vì thấy chúng tươi và sạch sẽ. Trong chợ còn có một bà kia chuyên vẽ tranh bằng… bàn ủi. Sơn để vẽ là sáp đèn cầy màu. Tranh của bà trông cũng đẹp và lúc này đang có người đặt bà vẽ. Công việc của bà có vẻ tiến triển tốt. Chúng tôi có nói chuyện với một bà bán hàng kỷ niệm thì thấy người Canada thật dễ mến và có cảm tình.

Theo một đường ngầm, chúng tôi qua bên kia đường để vào một thương xá. Thương xá này rộng rãi có ba bốn tầng và bán hàng cao cấp. Từ đây lại có đường ngầm dưới đất để qua Market Square là một thương xá khác. Do lạnh nên ở Canada người ta hay làm đường hầm dưới đất nối liền các khu thương mại với nhau để người mua hàng không phải ra ngoài trời lạnh. Trong Market Square còn có một Viện Bảo Tàng của tỉnh bang New Brunswick và thư viện của thành phố. Chúng tôi về tàu theo một đường song song với bến tàu. Trên đường về, chúng tôi còn thấy một nhà thờ rất đẹp nằm trên đồi cao. Ðó là Nhà Thờ Trinity. Tiếc rằng lúc này nhà thờ đóng cửa nên chúng tôi không vào xem bên trong được. Trước khi lên tàu, chúng tôi lại vào xem những cửa hàng bán đồ kỷ niệm cho du khách nằm ở ngay bến tàu. Hàng hóa bán ở đây không đẹp nhưng người ta mua cũng nhiều. Chúng tôi chỉ xem sơ cho biết rồi lên tàu, chấm dứt chuyến thăm viếng một thành phố đẹp nhưng… khá lạnh. Tối nay sau khi ăn tối, chúng tôi vào rạp hát để xem văn nghệ với chương trình ca vũ nhạc: show Just Rock – chương trình này cũng gồm các vũ công của Glory trình diễn. Ðây là một show ca vũ nhạc thiên về nhạc trẻ với cách trình bày sống động và nhiều sức sống. Chúng tôi đã coi nhiều show rồi nên tới hôm nay cũng bớt hào hứng dù người ta đã thực hiện rất công phu và hoàn hảo.

Thêm một ngày vui chơi trên biển

Ngày Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010 là một ngày vui chơi trên biển. Tàu chạy về hướng Nam để về bến cũ. Hôm nay có các tiết mục vui chơi như đố vui, dạy xếp khăn thành hình thú vật hay chơi lô tô (bingo). Lúc 11 giờ trưa có show hướng dẫn trình tự xuống tàu. Theo đó ai tự đem hành lý thì có thể xuống tàu sớm. Ai không tự mang hành lý được thì tối nay cứ để trước phòng với số hiệu quy định, sẽ có người mang xuống bến giùm.

Buổi trưa có biểu diễn điêu khắc trên nước đá và cuộc thi “Quý Ông Có Nhiều Lông Ngực” ở khu hồ tắm. Ngoài ra trên tàu còn có dịch vụ tắm hơi, đấm bóp, nhưng lúc này tôi cũng hơi cảm lạnh do hôm qua đi chơi hơi nhiều ở Saint John rồi nên cũng không tham gia nổi. Về ăn uống, trưa nay có tiệc bánh ngọt với đủ loại chocolate trông thật hấp dẫn. Mấy người Mỹ rất khoái vụ này, người nào cũng ăn một dĩa lớn (ăn bánh trừ cơm).

Vào buổi chiều còn có các show về… châm cứu và cách làm sao cho giải độc cơ thể và cách làm cho giảm cân. Ði tàu ăn chơi cho đã thì cũng có những lớp như vậy để cân bằng. Vào buổi tối còn có trò chơi đố vui hỏi về âm nhạc và các show giải trí. Kỳ này, tôi thua mấy cái vụ đố vui vì thật ra tôi chỉ biết có một lãnh vực thôi đó là du lịch còn thể thao hay TV, điện ảnh thì thua 100%. Tối nay, chúng tôi ăn tối lần cuối trên tàu. Phần ăn cũng dồi dào với tôm thẻ và thịt bò nhưng cả tuần nay ăn cũng đã rồi nên hơi nhớ đồ ăn Việt. Bà xã cứ nói mấy con tôm to lớn này mà bỏ vô tô hủ tiếu tôm cua thì sẽ ngon hết biết.

Xem show Carnival Legends

Tối cuối cùng trước khi xuống tàu có show Carnival Legends lúc 10 giờ. Show này do khách đi tàu trình diễn chung với các vũ công của vũ đoàn Carnival Glory. Những “ca sĩ” này được tuyển chọn từ các buổi hát karaoke mấy ngày trước. Họ sẽ trình diễn những nhạc phẩm nổi tiếng đã được các danh ca Elvis Presley, Barbara Streisand, Britney Spears, Ricky Martin, Frank Sinatra… biểu diễn. Kỳ này, các ca sĩ tài tử của tàu này hát không hay lắm, vậy mà tôi thấy khán giả ủng hộ nhiệt liệt (không chừng họ là bạn bè, bà con của người biểu diễn hay chăng?). Cuối show, các ca sĩ và vũ công ra trước rạp hát để khán giả “giao lưu” và chụp hình kỷ niệm.

Ngày về

Sau một tuần ăn chơi, ngày Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010 là ngày kết thúc. Tàu đã cặp bến New York từ sáng sớm. Lúc 7:30 thì bắt đầu cho khách xuống bến. Chúng tôi bay chuyến 3 giờ chiều nên cứ tà tà ngủ ráng. Tới 8:30, khi người ta bắt buộc phải ra khỏi phòng thì chúng tôi mới kéo va li lên lầu 9 để ăn sáng. Nhẩn nha ở đó tới gần 10 giờ mới ra khỏi tàu.

Bến tàu New York không có chỗ bán vé shuttle. Chúng tôi ra phía trước hỏi hoài, tới hơn 10 giờ rưỡi mới có một bác tài chịu chở mình đi phi trường Kennedy. Thật ra, nếu đi taxi thì cũng được nhưng chúng tôi có nhiều thì giờ nên cũng từ từ chớ không gấp. Từ bến tàu về phi trường khoảng 45 phút. Xe chạy ngang thành phố New York một lần nữa để chúng tôi ngắm cảnh. Sáng nay trời lại nóng mới lạ. Thời tiết ở miền Ðông thiệt là khó đoán. Hơn 11 giờ trưa, chúng tôi tới phi trường rồi phải ăn trưa ở đó. Chờ tới 3 giờ chiều, chúng tôi mới bay về Los Angles. Tới nơi cũng đã gần 6 giờ chiều. Tưởng ở nhà nóng lắm, ai dè tuần qua trời lại mưa hai, ba ngày liên tiếp. Los Angeles mà mưa nhiều thì cũng là một chuyện ít có!

Một tuần ăn chơi đã qua, tối hôm nay mới Thứ Bảy, tôi còn nghỉ thêm được ngày Chủ Nhựt trước khi trở lại làm việc vào ngày Thứ Hai. Ðó sẽ là ngày mà tôi lại bắt đầu mơ mộng cho một chuyến cruise đầy thú vị khác trong tương lai: Tôi sẽ đi cruise qua vùng Caribbean xinh đẹp…

(Nguồn: Minh Tâm – Nguoi Viet Online)