Trong phần thi chung kết giải trẻ Canada hôm 20/1, Nam chiến thắng hai vận động viên lớn hơn cậu tới bảy tuổi để đăng quang thuyết phục với tổng điểm 169,89 và 114,67 cho phần thi tự do. Nam hôm đó mở màn phần thi bằng ba vòng xoay tuyệt đẹp và chỉ mắc một lỗi nhỏ – chưa xoay đủ vòng trong một lần xoay khác. Nhiều khán giả đã đứng dậy, vỗ tay thán thưởng khi Nam hoàn thành phần thi và cả trong khi cậu thực hiện các động tác khó.
“Đến giờ cháu vẫn chưa thể quen với việc mình là nhà vô địch trượt băng nghệ thuật trẻ quốc gia”, hãng tin Canadian Press dẫn lời cậu học sinh lớp 7 đến từ hạt Richmond, Bristish Columbia, Tây Nam Canada, một ngày sau khi đăng quang.
Khi bước lên bục nhận huy chương vàng tối 20/1, ấn tượng về Nam, ngoài nụ cười rạng rỡ, chỉ là vóc dáng nhỏ xíu của cậu khi đứng giữa hai vận động viên cao lớn đoạt huy chương còn lại. Nơi cao nhất trên mái tóc vuốt keo cứng của Nam thậm chí vẫn chưa cao tới vai của chủ nhân huy chương bạc, Shaquille Davis và huy chương đồng, Peter O’Brien. Tuy nhiên, với Nam, việc cậu chiến thắng trước các đối thủ có tầm vóc vượt trội ở giải trẻ dường như đã trở thành một thói quen.
“Tôi không ngỡ ngàng với việc chiến thắng các đối thủ lớn hơn, bởi điều đó đã diễn ra nhiều lần. Nghĩ cũng buồn cười, ở hầu hết các cuộc thi trượt băng tôi từng dự, những người về nhì và ba thường luôn cao to hơn tôi rất nhiều”, VĐV trẻ nói thêm.
Giải vô địch trẻ Canada 2011 là lần thứ tư Nam đăng quang trong năm lần cậu dự các giải tầm quốc gia 4 năm qua. Năm 2007, cậu là vận động viên trẻ tuổi nhất vô địch trượt băng Canada lứa tuổi thiếu nhi. Hai năm tiếp theo, Nam lên ngôi ở hai giải thiếu niên quốc gia. Và năm ngoái, khi dự giải vô địch trẻ quốc gia, cậu đoạt huy chương đồng. Nam, sau đó, được chọn biểu diễn rồi gây tiếng vang lớn trong đêm Gala trượt băng nghệ thuật quốc gia hồi tháng 2/2010 – sự kiện nhằm chào mừng thành công của Thế vận hội mùa đông Vancouver.
Thành công đến sớm kèm theo sự nổi tiếng và quan tâm từ người hâm mộ. Như vài lần khác, ngay sau thời khắc trở thành nhà vô địch trẻ quốc gia, Nam đã mỏi tay ký tặng cho các fan. Dù vậy, vận động viên đang được xem như thần đồng trượt băng mới của Canada này vẫn có chút e thẹn: “Cháu thấy việc đứng đó chỉ để ghi tên mình ra giấy cho mọi người cứ kỳ quặc thế nào”.
Phải chờ tới ngày 20/5 tới, khi cậu bước sang tuổi 13, Nam mới đủ tư cách dự thi ở các giải quốc tế. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, cậu học sinh tiểu học này đã đề ra cho bản thân những mục tiêu tham vọng – tranh tài ở hệ thống giải Grand Prix trượt băng nghệ thuật trẻ của Liên đoàn trượt băng thế giới (ISU) mùa 2011-2012 và dự giải vô địch quốc gia Canada dành cho các vận động viên chuyên nghiệp.
Nam là con trai của hai kỹ sư điện toán gốc Việt nhập cư, ông Sony và bà Thu. Cậu bắt đầu trượt băng từ khi lên 5 tuổi và từng tập hockey trên băng một thời gian ngắn. Tuy nhiên Nam ngày càng thích những môn thể thao cá nhân rồi quyết định chọn tập trung vào trượt băng nghệ thuật. Gần đây Nam thậm chí còn tạm gác lại cả việc học đàn piano mà cậu từng theo rất nghiêm túc để dành thời gian cho niềm đam mê với trượt băng nghệ thuật.
“Mục tiêu lâu dài của cháu là đại diện cho Canada tranh tài ở giải vô địch thế giới và Olympic. Còn trước mắt, cháu muốn lọt vào top 5 vận động viên chuyên nghiệp Canada và top 5 ở giải Grand Prix trẻ thế giới”, Nam cho biết.
Trong các phần thi cũng như buổi tập, Nam vẫn còn một chút hạn chế ở khâu tiếp đất trong động tác nhảy xoay ba vòng trên không. Đây là động tác khó mà ngay cả những vận động viên chuyên nghiệp hàng đầu Canada hiện nay như Patrick Chan, nhà vô địch Grand Prix thế giới, cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên theo HLV của Nam, bà Joanne McLeod, nếu cứ giữ đà tiến bộ như gần đây, Nam sẽ thực hiện thuần thục động tác nhảy xoay ba vòng vào cuối mùa hè để sau đó, bắt đầu tập phần khó nhất – nhảy xoay bốn vòng.
McLeod thậm chí còn so sánh cậu học trò nhỏ bé gốc Việt với những siêu sao hàng đầu trong môn thể thao này hiện tại: “Nam có triển vọng sáng sủa không kém những Kim Yu-na, Michelle Kwan hay Evgeni Plushenko, nếu so sánh những gì họ đạt được lúc 12 tuổi. Ở lứa tuổi đó, họ đều là những hiện tượng và rồi một số đã trở thành nhà vô địch thế giới, Thế vận hội”.
Tuy nhiên việc theo đuổi trượt băng nghệ thuật chuyên nghiệp đòi hỏi những khoản đầu tư lớn về tài chính. Nếu không tìm được tài trợ, gia đình Nam Nguyễn khó lòng có thể cho con trai của họ tiếp tục theo đuổi giấc mơ. “Gia đình cháu hiện không đủ khả năng trang trải các khoản chi phí tốn kém cho việc tập luyện như thuê sân băng, thuê HLV, chi phí tham dự các giải, vé máy bay đi lại cũng như nhiều trang thiết bị hỗ trợ khác”, Nam cho biết.
Hiện Nam được tài trợ từ Port Metro trong khuôn khổ dự án “Nuôi dưỡng các nhà vô địch”. Khoản tài trợ này không nhiều, nhưng hiện cũng đủ để Nam giúp gia đình trang trải phần nào gánh nặng tài chính và tiếp thêm động lực để cậu có thể trở thành vận động viên trượt băng nghệ thuật đẳng cấp thế giới trong tương lai.
Nguồn: VnExpress