Chế độ an sinh xã hội của Canada thuộc Top các quốc gia tốt nhất trên thế giới. Chúng ta cùng tìm hiểu một trong những ưu điểm này, đó chính là phúc lợi cho người cao tuổi tại Canada.
Tiền phúc lợi cho người cao tuổi ở Canada bao gồm 3 khoản tiền:
- Tiền Hưu Trí (Canada Pension Plan, gọi tắt CPP)
- Tiền Già (Old Age Security, gọi tắt OAS)
- Tiền Bảo Đảm Bổ Túc Thu Nhập (Guaranteed Income Supplement, gọi tắt GIS)
1. CANADA PENSION PLAN (CPP) – TIỀN HƯU TRÍ
Bao gồm 3 loại tiền:
- Retirement Pension (tiền hưu trí lao động),
- Disability Benefit và
- Survivor Benefit.
A. Tiền Hưu Trí Lao Động (Retirement Pension – CPP)
Tiền CPP là một loại bảo hiểm, có nghĩa là tiền lãnh ra tương ứng với tiền đóng góp, đóng góp nhiều hơn, đóng góp lâu hơn thì lãnh ra nhiều hơn. Nói chung là nếu lãnh vào năm 65 tuổi thì tiền Retirement Pension CPP hàng tháng sẽ bằng ¼ tiền thu nhập trung bình hàng tháng trong suốt cuộc đời làm việc.
Tiền Retirement Pension không bị ảnh hưởng bởi các tiền thu nhập khác.
Trong khi đi làm việc hoặc kinh doanh buôn bán, người dân Canada phải đóng góp vào quỹ hưu trí (CPP).
Tiền này được ấn định là 4.95% của thu nhập, tuy nhiên không quá hơn 2,356 CAD/ năm.
Tiền đóng góp cho CPP được chủ nhân trừ thẳng trong chi phiếu trả lương. Trong trường hợp tự làm chủ (self-employed), có nghĩa là những người không lãnh lương từ chủ nhân, thì vẫn có thể tự mình đóng góp vào CPP.
Tiền đóp góp vào CPP có tính chất bó buộc cho bất cứ ai có thu nhập trên 3,500 CAD/năm và dưới 65 tuổi. Từ 65 đến 70 tuổi thì đóng góp hay không tùy ý, tuy nhiên khi đạt 70 tuổi thì không cần đóng góp CPP được nữa, cho dù là vẫn còn thu nhập.
Lúc về hưu, người đã đóng góp cho CPP sẽ được hưởng CPP.
Trong năm 2015, tiền Retirement Pension CPP tối đa được lãnh hàng tháng là 1,065 CAD.
Tính trung bình thì người hưu trí Canada lãnh khoảng 600 CAD/ tháng tiền Retirement Pension CPP.
Tuổi chính thức về hưu được lĩnh tiền Retirement Pension CPP trọn vẹn là 65 tuổi, tuy nhiên được quyền xin lãnh CPP non lúc 60 tuổi, nhưng bị cắt giảm 6% cho mỗi năm lãnh sớm, nghĩa là lãnh năm 60 tuổi thì bị giảm 30%, lãnh năm 61 tuổi thì bị giảm 24% .v.v. Cần biết là số tiền CPP sụt giảm này sẽ kéo dài suốt đời, chứ không phải là chỉ áp dụng cho những năm trước 65 tuổi.
Người lãnh CPP năm 60 tuổi và người lãnh CPP năm 65 tuổi, đến năm 78 tuổi thì tổng cộng số tiền lãnh của 2 người bằng nhau. Từ năm 79 trở đi, tổng số CPP của người lãnh năm 65 tuổi sẽ nhiều hơn của người lãnh năm 60 tuổi.
Ngược lại, nếu xin lãnh CPP trễ hơn 65 tuổi, thì tiền CPP lại được tăng lên. Tỷ dụ như chờ đến 70 mới xin CPP thì được lãnh nhiều hơn 42% so với lãnh tiền lúc 65 tuổi.
Nếu đang lãnh tiền CPP mà vẫn đi làm việc và chưa đến 70 tuổi thì có quyền tiếp tục đóng góp vào quỹ CPP, và như vậy, tiền CPP lãnh sẽ được tăng lên vì sự đóng góp tiếp tục này. Tuy nhiên, cũng chỉ có thể đóng góp đến năm 70 tuổi mà thôi.
Tiền CPP được điều chỉnh theo giá sinh hoạt và lạm phát. Do đó, tiền CPP tiếp tục gia tăng hàng năm.
Tiền CPP được lãnh dù người hưu trí sống ở bất cứ nơI nào trên thế giới.
Tiền CPP thuộc loại thu nhập chịu thuế (taxable income) cho nên phải khai báo trong hồ sơ thuế hàng năm.
Thông thường chính phủ không trừ thuế lợi tức trước khi gởi tiền CPP, nhưng người lãnh CPP có quyền yêu cầu cơ quan Service Canada trừ thuế trước khi gởi tiền CPP. Như vậy, đến cuối năm, lúc nộp hồ sơ thuế, người đó có nhiều khả năng được lãnh tiền bồi hoàn thuế (tax refund).
Muốn được lãnh CPP thì phải làm đơn xin chứ chính phủ không tự động cấp phát. Đơn phải nộp 6 tháng trước ngày dự định khởi sự lãnh tiền.
Trường hợp người chồng đã được ăn tiền CPP nhưng người vợ chưa đến 60 tuổi mà muốn ăn CPP thì chính phủ cho phép người vợ được ăn theo bằng cách san sẻ một phần CPP của người chồng cho người vợ.
B. Tiền Tàn Phế (Disability Benefit CPP)
Khi một người chưa đến 65 tuổi, chưa lãnh tiền Retirement Pension CPP mà trở thành tàn phế, mất sức lao động vĩnh viễn thì người đó được hưởng tiền Disabiltiy Benefit CPP.
Tiền này cao hơn tiền CPP Hưu Trí Lao Động(retirement pension) nói trên. Tuy nhiên, khi đến 65 tuổi, Disability Benefit CPP lại trở thành Retirement Pension CPP, nhưng lúc đó người tàn phế được bắt đầu hưởng thêm tiền OAS.
C. Tiền Cho Thân Nhân Còn Sống Khi Người Lãnh Cpp Qua Đời (Survivor Benefit Cpp)
Khi người đang lãnh CPP qua đời, vợ hay chồng còn sống hay thân nhân được lãnh một khoản tiền tử (death benefit) bằng 6 tháng CPP.
Vợ hay chồng hay con của người lãnh CPP qua đời được cũng lãnh một món tiền hàng tháng với điều kiện người vợ phải trên 35 tuổi, người con dưới 25 tuổi và đi học toàn thời (full time). Số tiền nhiều ít tùy thuộc nhiều yếu tố.
2. OLD AGE SECURITY (OAS) – TIỀN GIÀ
Điều kiện để hưởng là phải 65 tuổi trở lên và cư ngụ tại Canada ít nhất 10 năm (không bắt buộc phải đi làm tại Canada và không bắt buộc phải về hưu).
Để được lãnh tối đa tiền OAS, người xin đã phải sống ít nhất 40 năm tại Canada lúc nộp đơn xin.
Còn trường hợp sống không đến 40 năm thì số tiền nhiều ít tùy thuộc thời gian sống. Tỷ dụ sống được 30 năm thì tiền OAS sẽ là ¾ của mức tối đa. Khi bắt đầu lãnh OAS thì thời gian sống thêm tại Canada không còn dùng để tính thêm tiền OAS nữa.
Tiền OAS được điều chỉnh theo giá sinh hoạt và lạm phát, có nghĩa là gia tăng hàng năm.
Tiền OAS có thể được trả tại nước ngoài, với điều kiện người lãnh OAS phải đã sống tại Canada ít nhất 20 năm sau khi 18 tuổi. Nếu chưa đủ điều kiện này thì tiền OAS chỉ được lãnh thêm 6 tháng sau khi người hưu trí ra nước ngoài sinh sống, và phải xin lại khi trở về Canada.
Tiền OAS là thu nhập chịu thuế, do đó, phải khai báo tiền OAS trong hồ sơ thuế hàng năm.
Tiền OAS bị ảnh hưởng bởi các tiền thu nhập khác. Nếu người lãnh OAS có thu nhập tổng cộng trên 70,954 CAD thì sẽ bị cắt bớt tiền OAS. Nếu người lãnh OAS có thu nhập tổng cộng trên 115,716 CAD thì không còn được lãnh OAS.
Trong năm 2015, tiền OAS tối đa là 563 CAD.
3. GUARANTEED INCOME SUPPLEMENT (GIS) – TIỀN BẢO ĐẢM BỔ TÚC THU NHẬP
Là tiền chính phủ trợ giúp thêm cho người đang lãnh OAS mà không có hoặc có rất ít thu nhập khác, nhằm bảo đảm cuộc sống không quá thiếu hụt. Tiền GIS được cấp phát cùng lúc với OAS và cũng phải làm đơn xin.
Muốn được tiếp tục hưởng GIS hàng năm thì phải nộp hồ sơ khai thuế hàng năm để chính phủ nắm được mức thu nhập.
Tiền GIS nhiều hay ít tùy vào tiền thu nhập khác của người xin cũng như người phối ngẫu. Tiền thu nhập khác không bao gồm OAS. Tỷ dụ như cao niên độc thân có CPP và các nguồn thu nhập khác tổng cộng hơn 16,704$ thì sẽ không được lãnh GIS. Còn vợ chồng cao niên có CPP và các nguồn thu nhập khác tổng cộng hơn 22,080 CAD thì sẽ không được lãnh GIS.
Tiền GIS tối đa trong năm 2015 là 764 CAD cho người cao niên độc thân hoặc có vợ hay chồng chưa phải cao niên và 506 CAD cho mỗi người nếu cả vợ chồng đều là cao niên.
Tiền GIS được điều chỉnh theo giá sinh hoạt và lạm phát, nên tiếp tục gia tăng mỗi năm.
Tiền GIS chỉ có thể trả bên ngoài Canada tối đa 6 tháng.
Tiền GIS không phải là thu nhập chịu thuế nên không cần khai báo trong hồ sơ thuế hàng năm.
Theo các chuyên viên tài chánh, muốn duy trì mức sống giống như còn đi làm việc, người về hưu phải có thu nhập tổng cộng khoảng 70% thu nhập lúc còn đi làm việc. Do đó, nếu bạn chỉ kiếm được khoảng 20,000 CAD năm lúc đi làm thì hầu như mức sống bạn sẽ không thay đổi lúc về hưu vì chắc chắn 3 khoản CPP, OAS và GIS của bạn cộng lại sẽ không dưới 1,200 CAD/ tháng.
(Cre: Tim T. Hoang – Vietvancouver.ca)