Canada đã chính thức tham gia vòng đàm phán mới nhất về Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra tại Auckland, New Zealand.
Trong phát biểu với truyền thông vào ngày 4 tháng 12 năm 2012 – Bộ trưởng Ngoại thương Canada Ed Fast – xác nhận chính phủ Canada đang tập trung nỗ lực tạo việc làm, tăng trưởng kinh tế và duy trì sự thịnh vượng lâu dài cho Canada. Theo lời ông Ed Fast, chính phủ Canada hiện đang tìm cách tạo điều kiện thuận lợi để các công ty xuất cảng Canada hiện diện tại thị trường Châu Á -Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Ed Fast cho rằng khu vực Mỹ La-tinh và Châu Á đang có một số các quốc gia đang phát triển về phương diện kinh tế. Sự kiện Canada, cùng với hai nước hợp tác thương mại lớn nhất của Canada là Mỹ và Mexico, tham gia thương thuyết hiệp định TPP sẽ đẩy mạnh các mối quan hệ thương mại, đầu tư,và trao đổi sản phẩm giữa châu Mỹ và Châu Á, tạo cơ hội cho các công ty xuất cảng Canada mở rộng sang các thị trường mới hoặc củng cố sự có mặt tại các thị trường cũ.
Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương hiện có 11 thành viên: Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Tổng thị trường có dân số 658 triệu người, với tổng sản phẩm quốc nội tổng cộng là 20,700 tỷ USD.
Nghiên cứu của chính phủ Canada cho biết đến năm 2025, các quốc gia thành viên của tổ chức này có thể mang đến cho nền kinh tế của Canada thêm 9,9 tỷ USD, tương đương 0,5% GDP/ năm.
Nếu hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được kết quả như dự trù, dẫn đến tự do hóa thương mại và giảm bớt quan thuế, thu nhập toàn cầu vào năm 2025 có thể tăng thêm 295 tỷ USD. Hiệp định TPP cũng sẽ giúp Canada tăng kim ngạch xuất cảng, lên đến 15,7 tỷ USD.
Trong vòng chưa đầy 6 năm kể từ khi lên cầm quyền, chính phủ của Thủ tướng Stephen Harper đã hoàn tất các hiệp định thương mại tự do (FTA) với 9 quốc gia. Canada cũng đã bắt đầu tăng cường giao thương và đầu tư với một các thị trường lớn nhất thế giới, trong đó có Liên Minh Châu Âu (EU), Ấn Độ và Nhật Bản.
(Cre: Thoibao)