Tổng quan về Canada
Diện tích: 9.984.670 km² (đứng thứ 3 trên thế giới)
Dân số: 35.344.962 người (theo thống kế đến 2010)
Thủ đô: Ottawa
Ngôn ngữ chính: Tiếng Anh và tiếng Pháp
Đơn vị tiền tệ: Đôla Canada (CAD)
Canada là quốc gia lớn thứ hai trên thế giới, sau Liên Bang Nga, và nằm ở cực bắc của Bắc Mỹ. Lãnh thổ Canada trải dài từ Đại Tây Dương ở phía đông sang Thái Bình Dương ở phía tây, phía bắc giáp với Bắc Băng Dương và phía nam giáp với Mỹ.
Phía tây bắc của Canada giáp với tiểu bang Alaska (Mỹ), đông bắc của Canada có đảo Greenland (thuộc Đan Mạch) và ở bờ biển phía đông có quần đảo Saint-Pierre và Miquelon (thuộc Pháp).
Dân số và thành phần dân tộc
Dân số Canada ước lượng là khoảng 32 triệu người vào năm 2005. Theo kết quả điều tra dân số gần đây nhất, hơn 50% dân số Canada có nguồn gốc không phải lAnh hay Pháp. Trong số đó, số người da màu là 13%; các thổ dân là 3%; người gốc Scotland là 14%; người gốc Ireland 13%; gốc Đức là 9,25% và gốc Ý là 4,3%.
Các con số này sẽ còn tăng thêm nữa theo quá trình “toàn cầu hóa” hiện nay.
Thành lập liên bang
Ngày 1 tháng 7 năm 1867, John Alexander Macdonald đã khánh thành Nước Tự trị Canada (Dominion of Canada) theo Đạo luật Anh Bắc Mỹ (British North America Act). Canada lúc bấy giờ gồm bốn tỉnh: Ontario, Québec, Nova Scotia và New Brunswick.
Manitoba gia nhập Canada vào năm. Năm 1871, British Columbia gia nhập, Prince Edward Island gia nhập vào năm 1873, năm 1905 Alberta và Saskatchewan gia nhập và năm 1949 Newfoundland gia nhập Canada.
Năm 1982, Đạo luật Canada (Canada Act) được thông qua. Québec là tỉnh bang duy nhất không đồng ý thông qua đạo luật này. Đàm phán Hồ Meech (Meech Lake Accord) giữa thủ tướng Brian Mulroney và thủ hiến Québec Robert Bourassa nhằm thuyết phục tỉnh này ký vào đạo luật thất bại.
Ngôn ngữ
Hai ngôn ngữ chính thức của Liên bang Canada là tiếng Anh và tiếng Pháp. Gần 60% dân Canada có tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh, 22% là tiếng Pháp. Đại đa số người nói tiếng Pháp sống tại tỉnh bang Québec, sau đó là các tỉnh bang Ontario, New Brunswick và Manitoba. Một số ngôn ngữ của các thổ dân cũng được xem là ngôn ngữ chính thức tại các lãnh thổ tự trị, đặc biệt là tiếng Inuktitut. Theo thời gian, rất nhiều thứ tiếng của các thổ dân đã bị mai một hay đang đi đến tình trạng mai một đó. Một số ngôn ngữ khác cũng được nhiều người nói là: tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông, tiếng Tây Ban Nha.
Québec là tỉnh bang độc nhất ban hành một đạo luật bảo vệ tiếng Pháp, mục đích để bảo vệ sắc thái văn hóa đặc biệt nhất Bắc Mỹ của họ. Tuy nhiên quyền lợi về ngôn ngữ và giáo dục của các cộng đồng nói tiếng Anh và các tiếng thổ dân cũng được bảo vệ. Ngoài ra, người dân Canada có quyền dùng hoặc tiếng Anh hoặc tiếng Pháp trong khi giao tiếp với chính phủ.
Kinh tế
Canada là một quốc gia phát triển nhất trên thế giới (thuộc Nhóm G8) và có nguồn năng lượng tự cung tự cấp. Nền kinh tế chính của Canada dựa trên các tài nguyên thiên nhiên. Bạn hàng xuất cảng lớn nhất của Canada là Mỹ tiếp theo là Nhật Bản và Anh. Bạn hàng nhập cảng gồm Mỹ, Trung Quốc và Mexico.
Canada cũng là thành viên của nhóm NAFTA (North-American Free Trade Association). Với các nước Châu Âu, Canada thuộc nhóm Tổ chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); về Châu Á, Canada thuộc nhóm Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Ngoài ra Canada còn nắm vị trí quan trọng trong Liên Hiệp Quốc và có uy tín trên thế giới trong vấn đề bảo vệ – duy trì hòa bình tại những vùng căng thẳng vì chiến tranh.
Canada cũng là thành viên của cả Khối Thịnh vượng chung Anh (The Commonwealth of Nations) lẫn khối Cộng đồng Pháp ngữ (La Francophonie), và nhiều tổ chức quốc tế khác.
Chính trị
Canada là quốc gia liên bang bao gồm 10 tỉnh bang (province) và 3 lãnh thổ (territory). Liên bang Canada là một liên bang dựa lên nền quân chủ lập hiến và chế độ dân chủ nghị viện.
Nguyên thủ quốc gia của Canada là Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, ngự trị tại Anh. Với đề nghị của chính phủ Canada, Nữ hoàng cử một người dân Canada làm đại diện cho mình gọi là Toàn Quyền (Governor General of Canada; Gouverneure générale du Canada), được tôn trọng gọi là Đại diện Nữ hoàng. Chính phủ của Canada được lập bởi Quốc hội (Parliament of Canada; Parlement du Canada) do dân bầu lên.
Quốc hội bao gồm hai viện: Thượng Viện (Senate; Sénat) dùng để đại diện các vùng, các tỉnh bang và các sắc thái văn hóa khác nhau trong xã hội, Hạ Viện (House of Commons; Chambre des communes) dùng để đại diện toàn thể dân chúng. Nhiệm vụ của Quốc hội là soạn thảo và ban hành các sắc luật để Chính phủ thi hành.
Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng (Prime Minister; Premier ministre). Thủ tướng thay mặt chiển Chính phủ và là chủ tọa của một Nội các (Cabinet) bao gồm nhiều Bộ trưởng (Minister) và những người cố vấn.
Canada hiện có 4 chính đảng lớn nhất: Đảng Bảo Thủ (Conservative Party), Đảng Tự Do (Liberal Party), Đảng Tân Dân Chủ (New Democratic Party) và Khối Québéc (Bloc Québécois).
Trong những buổi họp của Quốc hội, Chính phủ bắt buộc phải trả lời những câu hỏi của các phe đối lập, nhất là phe Đối lập Chính thức (Official Opposition; L’Opposition Loyale de Sa Majesté), về các chương trình hành động của họ. Những cuộc điều trần trước Quốc hội này có thể đưa đến sự bất tín nhiệm hoặc lật đổ Chính phủ. Trường hợp nếu Chính phủ bị lật đổ thì Quốc hội cũng sẽ bị giải tán và dân chúng sẽ bầu chọn một Quốc hội mới để thành lập Chính phủ mới.
Văn hoá
Canada là một nước đa văn hóa. Nhất là ở các thành phố lớn như Toronto, Montréal, Vancouver, sự đa dạng của các dân tộc trên thế giới càng rõ rệt hơn. Thêm vào đó, nghệ thuật đương đại rất phát triển. Có hàng ngàn công trình kiến trúc, phòng tranh, bảo tàng và học viện nghệ thuật trên khắp đất nước. Canada còn là một trong các nước có nền điện ảnh và âm nhạc lớn nhất thế giới.
Canada hai lần tổ chức Đại hội Triển lãm Quốc tế: tại Montréal (Expos ’67) và tại Vancouver (Expos ’86); ba lần đăng cai Thế Vận Hội: tại Montréal (Thế vận hội Mùa hè 1976), tại Calgary (Thế vận hội Mùa đông 1988) và tại Vancouver (Thế vận hội Mùa đông 2010).
(Kornova – Tư Vấn Định Cư Canada)